Khoảng 700 học sinh lớp 12 trường THPT Nhân Việt (quận Tân Phú, TP HCM) gần một tháng nay phải ôn tập cả ngày lẫn đêm - hai ca sáng, chiều và ca cuối kết thúc lúc 22h30.
Ở lớp 12A6 ôn thi khối xã hội, ước mơ đỗ vào các trường đại học lớn, Hồ Ngọc Yến Trâm (quê Đà Lạt) muốn được học tập ở môi trường hiện đại và năng động nên thuyết phục bố mẹ cho học tiếp đại học ở Sài Gòn. Dù hơi bỡ ngỡ với việc học đêm nhưng Trâm vẫn gắng sức cho từng buổi ôn.
"Thời gian không còn nhiều, em nghĩ việc học đêm là cần thiết. Kỳ thi này rất căng thẳng, để vào đại học phải cạnh tranh gay gắt nên vất vả thêm một chút là điều đáng làm", nữ sinh chia sẻ.
Với nguyện vọng vào Đại học Sân khấu Điện ảnh, Nguyễn Đình Hoàng Long đang gồng mình ôn luyện vì lượng bài chồng chất. Ban ngày, Long tham gia lớp học theo thời khóa biểu bình thường, buổi tối cậu dành thời gian kiểm tra kiến thức, tự ôn tập cùng các bạn.
"Khi mệt mỏi quá em ngồi thiền để thư giãn rồi tiếp tục học. Chỉ cần nghĩ về điều mình sẽ đạt được trong tương lai, em lại tiếp tục cố gắng", nam sinh nói, giọng chững chạc.
Nhiều học sinh lớp 12 ở trường này kể, hai năm đầu bậc THPT đã quen với lịch học khá dễ chịu, nhiều hoạt động ngoại khóa nhưng đến lớp 12 các em phải trở về cách học truyền thống với lịch học dày đặc, phụ đạo tùy theo lớp.
Từng là một cậu ấm nghịch ngợm, mải chơi nhưng Trần Phi Hoàng hiện khá siêng học với hy vọng làm ba mẹ hài lòng ở kỳ thi tới. Năm nay Hoàng đăng ký nguyện vọng vào Đại học Tôn Đức Thắng ở ngành có điểm chuẩn trung bình khá, song cậu vẫn áp lực bởi lực học yếu, đặc biệt môn Lý.
"Cứ sau giờ học chung, về nội trú là em ôn bài đến 1-2h. Em đặt mục tiêu 21 điểm, hơi khó nên phải nỗ lực nhiều", Hoàng chia sẻ.
Trong khi đó một nữ sinh hớn hở khoe, "trình độ" đã được nâng lên sau hai tháng ôn thi cật lực. Trước khi ôn tập tăng cường, mỗi môn thi thử cô chỉ đạt 4 điểm thì nay đã được 6 - nhờ giải bài tập nhiều lần.
Thầy cô tiếp lửa cho học trò
Theo sát học trò từng đêm ôn bài suốt nhiều tháng nay, thầy Phạm Hữu Đức ít có thời gian cho gia đình. Thầy kể, học trò sống xa nhà nên tâm tư khá nhiều, lại thêm việc học căng thẳng nên dễ bị áp lực đè nặng tâm lý. Ở lớp, thầy giáo vừa cố gắng giữ tinh thần của mình luôn vui vẻ, pha trò để các em lấy lại cân bằng.
"Những em đuối sức do lịch ôn tập dày cũng có nhưng chỉ là số rất ít, trong khi nhiều em còn xin thêm giờ để ôn tập cho kỹ. Tuy nhiên, trường lo cho sức khỏe các em nên không đồng ý", thầy Đức nói.
Tương tự, cô Phạm Thị Thương (chủ nhiệm lớp 12A2) cho biết, gần sát đến ngày thi, kế hoạch ôn tập phải tăng cường để các em quen với đề thi và chủ động trong việc canh chỉnh thời gian làm bài. Giáo viên sẽ linh động tổ chức ôn luyện và kiểm tra thường xuyên, mỗi tuần chừng 4 bài.
Hầu hết các môn học phụ đều đã được lược bỏ, nhà trường cho phép các em tập trung cho các môn khối thi. Ngoài giờ học chính, học sinh yếu sẽ được thầy cô phụ đạo thêm khoảng một giờ.
"Trước khi tập trung giải đề, điểm thường không ổn định, đặc biệt là các câu lý thuyết, các em dễ quên nhưng giờ tiến bộ nhiều lắm. Bạn yếu nhất lớp làm bài không đạt trung bình nhưng giờ đã đạt điểm khá", nữ giáo viên kể.
Hiện, nhiều trường tư thục ở TP HCM cũng áp dụng học 3 ca một ngày trước kỳ thi THPT quốc gia. Riêng các trung tâm giáo dục thường xuyên ở quận huyện, các lớp ôn tập buổi tối cho thí sinh tự do cũng sáng đèn đến đêm.
Tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận Bình Thạnh, sau khi kết thúc học kỳ 2, trường sắp lịch ôn tập cho học viên lớp 12 suốt các ngày trong tuần, từ 18 đến gần 22h. Chủ nhật, trung tâm bố trí học buổi sáng để giúp học viên hệ thống kiến thức.
Nhiều sĩ tử ở trung tâm này đã ở tuổi 30-40, ban ngày đi làm, buổi tối tất tả đi học với mơ ước có tấm bằng tốt nghiệp THPT, bổ sung cho công việc. "Học viên lớn tuổi, nhiều bạn đã nghỉ học lâu nên việc ôn tập vất vả hơn nhiều. Ban đầu, chúng tôi để các bạn hệ thống lại được kiến thức căn bản, tiếp đó sẽ giải các bộ đề cho quen", một giáo viên cho biết.
Năm nay, TP HCM có gần 80.000 thí sinh đăng ký tham gia kỳ thi THPT quốc gia với khoảng 5.000 thí sinh tự do. Thành phố đã chuẩn bị 124 điểm thi phân bố đều tại các quận huyện.
Công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT ở TP HCM đã hoàn tất.
Yến Nhi - Nguyễn Mai