
Thẻ sĩ quan của Alain Romans sau khi gia giập quân đội Tự do Pháp. Ảnh: Zone militaire
Người yêu mến điện ảnh Pháp chỉ biết đến Alain Romans như một nhà soạn nhạc phim tài năng với tác phẩm kinh điển trong bộ phim hài "Kỳ nghỉ của quý ông Hulot", từng rất được yêu thích trong thập niên 50-60.
Trước khi cống hiến cho nghệ thuật, người đàn ông này từng là một sĩ quan tình báo và được trao Huân chương Bắc đẩu bội tinh vì những cống hiến trong chiến tranh chống phát xít, theo Zone Militaire.
Sinh năm 1905 tại Czestochowa, Ba Lan, Romans theo gia đình đến định cư tại Pháp vào năm 1910. Từ khi còn nhỏ, Romans đã thể hiện năng khiếu và sự đam mê với âm nhạc. Dù kinh tế không mấy khá giả, cha mẹ Romans vẫn nỗ lực làm việc để anh được theo học ngành âm nhạc tại một trường đại học danh tiếng ở Đức.
Khi Thế Chiến II bùng nổ năm 1939, Romans đã là một nhạc sĩ tương đối có tiếng tại Pháp, nhưng cuộc chiến lấy đi của anh tất cả.
Sau khi Pháp thất thủ trước quân đội Đức Quốc xã, Hitler mở một chiến dịch truy lùng và bắt bớ tất cả những người Do Thái tại Pháp, trong đó có Romans và các thành viên gia đình anh.
Không chịu đầu hàng số phận, Romans đã nhờ vả bạn bè trong giới nghệ sĩ làm hộ chiếu giả để đến Anh gia nhập quân đội chống phát xít dưới cái tên Jean Duval. Ngay khi đặt chân đến London, Romans đã được cơ quan tình báo quân sự Anh chú ý đến, bởi anh có thể nói thành thạo ba thứ tiếng: Ba Lan, Đức và Pháp.
Mong muốn được chiến đấu trả thù cho đồng bào Do Thái, Romans đồng ý gia nhập lực lượng tình báo đặc nhiệm của Anh. Sau khi trải qua một khóa huấn luyện đặc biệt, cuối năm 1940, Romans cùng 5 nhân viên tình báo đặc nhiệm khác được giao nhiệm vụ nhảy dù xuống đảo Batz (một hòn đảo ít người thuộc vùng biển tây bắc nước Pháp, nơi quân đội Quốc xã chưa chiếm đóng).
Công việc tiếp theo của họ là giả làm dân thường, tiếp cận tháp chuông chính của đảo vốn được xây rất cao so với mực nước biển, quan sát mọi động thái của hải quân Đức trên Đại Tây Dương.
Tuy nhiên, viên phi công lái máy bay chở nhóm đặc nhiệm đã phạm một sai lầm ngớ ngẩn. Thay vì bay đến khu vực đảo Batz, phi công này đã chở họ đến khu vực đảo Saint-Malo, nơi đóng quân trọng điểm của quân đội phát xít.
Sau khi cất giấu trang bị, vũ khí cùng máy phát tín hiệu, trong đêm tối, nhóm đặc nhiệm nhanh chóng tiến về tòa nhà cao nhất mà họ nghĩ là tháp chuông đảo Batz. Không may cho họ, đó chính là pháo đài Aleth, một căn cứ quân sự kiên cố mà quân Đức vừa thiết lập. Tự đưa mình vào hang cọp, nhóm đặc nhiệm của Romans không có nổi một giờ tự do trên đất Pháp.
Những ngày sau đó, Romans cùng đồng đội không những bị bỏ đói mà còn bị tra tấn dã man, bởi lính Đức đã phát hiện những thiết bị và máy phát họ cất giấu sau khi nhảy dù xuống đảo.
Trước sự kiên cường của nhóm, đến ngày thứ 5 viên chỉ huy đội quân phát xít đồn trú trên đảo quyết định đưa họ ra pháp trường, đây thực chất chỉ là kế hoạch giả nhằm ép buộc họ khai ra sự thật.
Không đạt được mục đích, ngày hôm sau, viên sĩ quan này quyết định xử bắn thật cả nhóm. Công việc được tiến hành nhanh chóng, bởi lúc đó có nhiều máy bay trinh sát của Anh đang bay trên khu vực đảo Saint-Malo. Thi thể các thành viên đặc nhiệm Anh được chuyển cho các ngư dân địa phương để ném xuống biển.
Phép màu đã xảy ra khi một ngư dân phát hiện một thi thể vẫn cử động, đó chính là Romans. Họ bí mật đưa anh đến Dinan và nhờ một bác sĩ phẫu thuật chữa trị.
Vị bác sĩ đã rất ngạc nhiên trước sự may mắn của Romans. Romans cho biết khi viên sĩ quan Đức thực hiện phát bắn vào đầu các nạn nhân, anh ta đã bị phân tâm bởi tiếng động do máy bay trinh sát Anh quần thảo trên bầu trời gây ra. Viên đạn nhắm vào Romans đã đi chệch hướng, không xuyên vào não của nhạc sĩ này.

Alain Romans được trao huân chương Bắc đẩu bội tinh năm 1944. Ảnh: Zone militaire
Sau khi hồi phục, Romans tiếp tục đề nghị được quay lại nước Anh phục vụ quân đội. Anh được các chiến sĩ của quân đội Tự do Pháp bí mật giúp đỡ. Trong hành trình trở về Anh, một lần nữa anh lại rơi vào tay Quốc xã trong cuộc càn quét tại một quán cà phê ở thành phố Nantes.
Tuy nhiên, lần này danh tính thật sự Alain Romans một lần nữa cứu anh khỏi cái chết, bởi trong hồ sơ của Quốc xã, đặc nhiệm Jean Duval đã chết. Có xuất thân là người Do Thái, anh nhanh chóng bị quân đội Quốc xã trục xuất khỏi Pháp và đưa về trại tập trung tại Litva.
Trên hành trình về Litva, lợi dụng sự sơ hở của lính gác, Romans đã đào thoát thành công sang hàng ngũ của Hồng quân Liên Xô vào cuối năm 1941. Sau một thời gian anh được Hồng quân Liên Xô giúp đỡ lên tàu trở lại Liverpool.
Sau khi quân đội Tự do Pháp lớn mạnh, Romans quyết định gia nhập quân đội "quê hương" chống phát xít trên cương vị một sĩ quan tham mưu tình báo. Với những kinh nghiệm có được tại Anh, Romans đã lập được nhiều thành tích xuất sắc và được nhận Huân chương Bắc đẩu bội tinh, huân chương cao quý nhất của chính phủ Pháp, năm 1944.
Sau chiến tranh, Romans giải ngũ và tiếp tục sự nghiệp soạn nhạc và mất vào năm 1988. Trong suốt phần đời còn lại ông không kể với ai về quãng đời kỳ lạ và không kém phần vinh quang của mình.
Nguyễn Hoàng