Thời khắc giao thừa ở Việt Nam là lúc 20h tại Nam Sudan - đất nước châu Phi xa xôi. Khi đồng hồ điểm sang ngày mới của năm 2019, các sĩ quan mũ nồi xanh của Việt Nam đang làm nhiệm vụ gìn giữ hoà bình tại đây đã cùng hô to "chúc mừng năm mới". Tại khu lều bạt rộng chừng 2.000 m2 trên một gò đất cao, xung quanh là các rãnh nước và bao cát để chống ngập, những món ăn truyền thống như bánh chưng, dưa hành... được dọn ra, tất cả cùng nâng ly để đón chào năm mới.
Đúng lúc này, có hai ca cấp cứu được chuyển đến, gồm một ca viêm tụy cấp và một ca suy thận cấp. Lực lượng trực gồm một bác sĩ và hai điều dưỡng lập tức điều động thêm nhân lực để hội chẩn, xử lý. "Nếu bệnh nhân không tiến triển tốt hơn thì có thể sẽ phải chuyển lên tuyến trên vào ngày mai hoặc ngày kia", thiếu tá Hồ Ngọc Phát, bác sĩ gây mê, phụ trách phòng hồi sức cho biết.
Trước giao thừa, anh Phát đã tranh thủ gọi điện về trò chuyện cùng vợ con ở TP HCM và bố mẹ ở quê nhà Hà Tĩnh. Cô con gái 5 tuổi "chúc ba học giỏi để được cô giáo cho về sớm". Hai trong ba cái Tết gần đây, anh phải đón Tết xa gia đình. "Với những ai có gia đình nhỏ của mình, những ngày tháng xa nhà rất khó khăn, tôi cũng vậy, thương và nhớ vợ con lắm. Con gái mình rất sợ ba đi công tác, ai nói đến từ ấy là dù đang làm việc gì cũng ngừng lại, chạy đến bên ba", anh kể.
Cách đây mấy ngày, khi đồng đội được về nghỉ phép, anh Phát đã viết vài dòng thư tay gửi về động viên vợ con. Anh chúc những người thương yêu đón xuân an lành, ấm áp và mong vợ con hãy vững vàng để anh hoàn thành tốt nhiệm vụ. Với anh, việc được rèn luyện trong nhiều môi trường khác nhau đã giúp bản lĩnh thêm vững vàng, biết gạt qua mọi cảm xúc để hướng tới nhiệm vụ quan trọng mà Tổ quốc và Quân đội đã giao phó.
Nam bác sĩ cho hay, để giúp anh em trong bệnh viện dã chiến có cái tết xa quê hương ấm cúng và quảng bá nét văn hoá đặc sắc của Việt Nam tới bạn bè quốc tế, những bữa tiệc nhỏ đã được tổ chức với sự tham gia của các bạn bè quốc tế trong khu vực đóng quân như: công binh Anh, Ghana, Mông Cổ, Ấn Độ...
Các hoạt động sôi nổi ngay từ bước chuẩn bị như gói bánh chưng, bánh tét, quây quần bên bếp lửa suốt đêm luộc bánh, rồi muối dưa hành, làm hoa mai, hoa đào... Mọi người còn hướng dẫn các bạn Anh cắt bánh chưng, tổ chức chương trình văn hoá văn nghệ như tốp múa nữ "Hà Nội 12 mùa hoa"...
Có 10 năm xa gia đình nhưng lần đầu tiên ăn Tết ở tận Châu Phi, Thiếu uý Sa Minh Ngọc thấy nhớ nhà da diết. Những lúc này, Tổ phụ nữ của bệnh viện dưới sự dẫn dắt của chị cả, Thiếu tá chuyên nghiệp Bùi Thị Xoa lại động viên, cười đùa, kể chuyện cho nhau nghe...
"Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 của Việt Nam có 10 thành viên nữ, dù làm việc trong môi trường thuận lợi, lại được thủ trưởng các cấp động viên, nhưng chúng em vẫn đối mặt với những khó khăn như thời tiết khắc nghiệt, nơi đóng quân có nhiều dịch bệnh vì sát trại tị nạn, tham gia trực gác, trực chuyên môn, trực ban, trực tác chiến... bất kể ngày đêm. Tuy nhiên, chúng em luôn cố gắng khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao", Ngọc nói và gửi lời chúc sức khoẻ đến những người thân yêu ở quê nhà.
* Tết của bác sĩ Việt Nam ở Nam Sudan
Từng thực hiện nhiệm vụ ở rất nhiều nơi, từ biên giới Tây Nguyên cho đến đảo Trường Sa, nhưng điều mà Giám đốc bệnh viện Bùi Đức Thành sợ nhất vẫn là sự cô đơn, nhớ nhà mỗi khi rảnh rỗi. Vì vậy, để tránh lặp lại điều này với các cán bộ nhân viên của bệnh viện dã chiến, Ban giám đốc luôn động viên anh chị em ngoài thời gian làm việc, khi về nơi ở thì tăng gia sản xuất, trồng rau xanh, trồng hoa xung quanh doanh trại, giao lưu văn hóa văn nghệ thể thao với các đơn vị bạn...
"Nhân dịp Tết cổ truyền, các món phở, chả nem đặc trưng của Việt Nam được chúng tôi nấu đãi đoàn khách của Liên Hợp Quốc tới thăm, mời các đơn vị trong phái bộ, được bạn bè rất thích và khen ngon. Bánh chưng cũng được anh em gửi tặng cơ quan, đơn vị tại phái bộ và người dân địa phương", bác sĩ Thành nói.
Nam Sudan là quốc gia trẻ nhất thế giới, được thành lập ngày 9/7/2011 với dân số 13 triệu người, sau thỏa thuận năm 2005 với chính phủ Sudan nhằm chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 25 năm, lâu nhất trong lịch sử châu Phi.
Tuy nhiên, quá trình ly khai khỏi Sudan không giải quyết được những xung đột giữa 60 sắc tộc tại Nam Sudan, đặc biệt là hai dân tộc lớn nhất là Dinka và Nuer. Chỉ hai năm sau khi giành độc lập, tình trạng tranh chấp sắc tộc dẫn tới chia rẽ quyền lực chính trị trong nội bộ Phong trào Giải phóng Nhân dân Sudan, tổ chức từng dẫn dắt cuộc đấu tranh giành độc lập của Nam Sudan, đẩy quốc gia này vào vòng xoáy nội chiến giữa các phe phái.
Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc tại Nam Sudan (UNMISS) được thành lập ngày 8/7/2011. Nhiệm vụ chính của UNMISS là bảo đảm hòa bình, xây dựng sự ổn định chính trị và phát triển kinh tế lâu dài cho Nam Sudan, cũng như hỗ trợ chính phủ nước này hạn chế xung đột và bảo vệ dân thường. Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 của Việt Nam bắt đầu tham gia UNMISS từ tháng 10/2018.