Shoreditch nằm ở ngoại ô phía đông London. Từ mọi khu vực trong trung tâm London chỉ cần đón tàu điện ngầm tới trạm Highbury & Islington rồi lên tàu điện nổi (Overground) đi thêm 5 trạm nữa là tới Shoreditch, tổng thời gian chưa đến 30 phút. Khác xa với phía tây London vốn hào nhoáng, rực rỡ, hiện đại, phía đông London là những khu nhà cũ kỹ, xập xệ.
Shoreditch đón chào khách tham quan bằng dãy tường thành đổ nát, rêu phong cùng mớ ổ khoá móc lủng lẳng dọc hàng rào bằng thép ngay trước cửa ga Shoreditch High Street. Khác xa với những chiếc ổ khoá ghi dấu tình yêu dày đặc của các cặp tình nhân ở Rome, Paris, Moscow, Cologe..., những ổ khoá ở đây còn khá ít ỏi, "nghèo nàn" như chính Shoreditch. Tuy nhiên, trên chỗ cao nhất của bức tường thành, những hình vẽ đã dày đặc, báo hiệu mọi người đã đến Shoreditch - khu phố nghệ thuật tranh đường phố bậc nhất thế giới.
Theo nhiều tìm hiểu lẫn suy đoán của giới hội họa, lẫn dân du lịch, graffiti bắt nguồn từ những năm 1950, khi các băng nhóm trẻ con thường vạch các đường kẻ trên tường và viết tên của chúng lên để phân chia lãnh địa. Đến năm 1980, cùng với phong trào nhảy breakdance, hát nhạc rap, chơi nhạc sàn, việc thể hiện "dấu ấn" của các nhóm bằng hình ảnh bắt đầu phát triển mạnh mẽ hơn và chuyển sang hình thức "ba chiều" (3D) bắt mắt, sáng tạo.
Bức tranh graffiti đầu tiên của London được cho là xuất hiện vào năm 1981 và ở Shoreditch là vào khoảng những năm 1990. Lý giải về việc nghệ thuật đường phố tập trung ở Shoreditch, người ta cho rằng Shoreditch và khu vực lân cận vốn thu hút rất nhiều các họa sĩ, nhà thiết kế, nghệ sĩ chơi nhạc khắp nơi trên thế giới tới sinh sống do giá thuê các khu nhà xưởng rất rẻ (trước đây là các xưởng sản xuất nội thất của London nhưng do ngành công nghiệp này sa sút nên nhà xưởng hầu hết bị bỏ hoang).
Những nghệ sĩ nghèo không đủ tiền để mở các phòng triển lãm lớn nhưng vẫn khao khát giới thiệu cho thế giới biết các tác phẩm của họ nên đã vẽ lên bất cứ nơi đâu. Chính quyền London ban đầu cố gắng xoá những bức tranh đó nhưng cuối cùng đã phải đầu hàng vì xoá hôm trước thì sau một đêm, hình ảnh khác lại xuất hiện. Chính cộng đồng này mỗi ngày lại đông hơn đã biến Shoreditch ngày nay thành một trung tâm nghệ thuật tranh của thế giới, không chỉ là tranh đường phố. Không khó để tìm một phòng triển lãm tranh mang phong cách độc đáo ở nơi đây.
Dù thế, theo luật pháp, việc "vẽ bậy" tranh lên các khu vực công cộng vẫn là phạm pháp, và chính quyền vẫn phải tiêu tốn khoảng một triệu bảng Anh (tầm 36 tỷ đồng) để xoá những tác phẩm graffiti ở London nhưng các họa sĩ thì không lấy đó làm phiền lòng vì nhờ vậy, họ lại có những bức tường trắng để tiếp tục vẽ những tác phẩm mới!
Dọc các tuyến đường của Shoreditch, những bức tranh theo nhiều trường phái, nhiều quan điểm, nhiều chất liệu được vẽ dày đặc trên các bức tường nhà, những ô cửa sổ, cửa ra vào, bảng hiệu... Mọi khoảng trống đều được tận dụng, và không đơn giản như nhiều người nghĩ graffiti chỉ dùng bình xịt sơn lên, mà ở đây, họ có thể dùng cọ, khuôn, bản khắc... để tạo thành các bức hoạ.
Các hoạ sĩ chuyên lẫn không chuyên đều dùng graffiti như một cách thể hiện bản ngã cá nhân lẫn truyền tải những thông điệp khác nhau về cuộc sống. Nhiều người từng nhìn thấy những hình vẽ, khẩu hiệu thể hiện quan điểm chính trị của giới họa sĩ nơi đây muốn gửi đến giới cầm quyền nước Anh.
Ở góc phố này, cả dãy nhà với bức tường vừa cao vừa dài trở thành một bức tranh đa màu sắc khổng lồ theo trường phái trừu tượng. Những nét vẽ bay bổng, uốn lượn, mềm mại thể hiện khao khát tự do sáng tạo. Góc phố kia là một con chuột khổng lồ nổi bật như một lời tuyên bố: Shoreditch là khu ổ chuột nhưng đầy kiêu hãnh.
Ở dãy phố khác, những gương mặt người nhiều sắc thái cảm xúc vui buồn, giận dữ như đang tương tác cùng người qua đường. Có khi mọi người lại phải dừng chân ngắm nhìn một cô gái Nhật mặc kimono rất quyến rũ với ánh mắt sắc sảo, có khi lại ngắm nhìn một chàng chiến binh oai hùng từ trong các bộ phim bước ra, có lúc lại giật mình với một dòng chữ thể hiện sự suy gẫm về cuộc đời.
Con người, loài vật, đồ vật... gần như mọi thứ của đời sống đều có thể trở thành chủ đề, nguồn cảm hứng cho các nghệ sĩ tranh đường phố của Shoreditch. Shoreditch ghi nhận những tác phẩm để đời của các hoạ sĩ lừng danh nước Anh như Banksy, Eine, D*Face, Sweet Toof, Pure Evil cũng như những hoạ sĩ lừng danh thế giới như Swoon, Roa, Blek Le Rat, Vhils.
Shoreditch hiện nay có rất nhiều phòng triển lãm tranh rộng lớn, thu hút những người yêu nghệ thuật đến tham quan, mua bán các tác phẩm có giá trị. Nó cũng là nơi cung cấp các nguyên vật liệu, vật dụng cần thiết cho công nghiệp vẽ tranh. Graffiti cũng là một cách thức các hoạ sĩ dùng để quảng cáo miễn phí tác phẩm hay phòng tranh của mình bằng cách vẽ, ký tên và lưu lại thông tin liên lạc trên các bức tường, cánh cửa, mái nhà...
Shoreditch vốn tập trung tầng lớp bình dân từ khắp nơi trên thế giới đổ về nên tính đa sắc tộc trở thành một đặc điểm của cộng đồng nơi đây. Trang phục của người dân đi lại trên phố hay cách trang trí, tên bảng hiệu của các cửa hàng, nhà hàng, hiệu bán thức ăn cũng phản ánh văn hoá của tất cả các nước như Italy, Pháp, Tây Ban Nha, Mexico, Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ, Pakistan và cả Việt Nam.
Các cửa hàng mua sắm ở đây cũng được trang trí, trưng bày theo những cách thức riêng, đầy ngẫu hứng. Ở Shoreditch, du khách có thể tìm thấy những cửa hàng thời trang thiết kế riêng lẫn những cửa hàng bán đồ giá rẻ với đủ xu hướng cổ điển như vintage, retro, phá cách như gypsy hay các xu hướng thời trang hiện đại nhất.
Ghé qua Shoreditch, du khách như lạc vào một thế giới của sự sáng tạo, tự do, dường như những ai chưa yêu hội hoạ khi đến đây cũng trở nên hứng thú hơn với loại hình nghệ thuật này, đặc biệt với tranh đường phố.
Thông tin thêm: Shoreditch vẫn nằm gọn trong Zone 1 của London, có thể đi buýt, tàu điện ngầm (underground) rồi chuyển sang tàu điện nổi (overground) để đến đó. Từ mọi nơi của London, dùng bản đồ tra cứu tìm bến Shoreditch High Street. Nếu muốn tham quan nhiều địa điểm của London, khách du lịch nên mua vé theo ngày để đi được mọi phương tiện (buýt, tàu điện ngầm, tàu điện nổi, tàu trên không...) tại London. Giá vé ngày thường khoảng 21 bảng (khoảng 720.000 đồng) để đi từ Zone 1-9, ngày cuối tuần là 12,5 bảng (khoảng 430.000 đồng). Giá cả ăn uống thì tuỳ quán, nhưng thông thường 10 - 20 bảng (khoảng 360.000 - 720.000 đồng) là du khách có thể có một bữa rất ngon hoặc tiết kiệm thì chỉ cần chi 7 bảng (koảng 250.000 đồng) cũng có thể no với bánh ngọt hoặc thức ăn nhanh. Tại London có tour tham quan kèm thuyết minh về các tác phẩm nghệ thuật đường phố suốt tuần, trong đó từ chủ nhật đến thứ 6 có hai tour mỗi ngày bắt đầu 10h sáng hoặc 13h30 chiều, thứ 7 thì giờ linh hoạt, địa điểm tập trung tại The Goat Statue, gần ga Liverpool Street. Giá vé cho người lớn là 15 bảng (khoảng 540.000 đồng), trẻ em dưới 16 tuổi là 10 bảng (khoảng 360.000 đồng). |
Thu Huyền