Cả ngày 30/8, anh Thiều - shipper chuyên hoạt động tại quận Bình Tân, thấp thỏm chờ thông báo chính thức từ công ty quản lý. Sau khi hay tin TP HCM cho shipper vùng đỏ hoạt động lại, anh đã chuẩn bị sẵn sàng đi làm. Tuy nhiên, tin tức về thay đổi các quy định đưa ra liên tục khiến tài xế này cảm thấy lúng túng.
Hiện tại, anh Thiều chỉ nắm rõ nếu muốn hoạt động, mỗi tài xế phải được tiêm vaccine mũi đầu, nằm trong danh sách mà Sở Công Thương TP HCM cấp phép và phải thực hiện test nhanh hằng ngày. Tuy nhiên, thời gian bắt đầu triển khai lại là thông tin mà anh Thiều và nhiều shipper chưa biết chính xác.
Trên các nhóm cộng đồng tài xế công nghệ, nhiều shipper liên tục đăng bài dò hỏi về tình hình thực tế. "Đến giờ tôi và nhiều anh em cũng chưa rõ khi nào sẽ thực sự được hoạt động trở lại và khi hoạt động cần tuân thủ các quy định thế nào, quy trình thực hiện ra sao", anh nói thêm.
Chia sẻ với VnExpress, nhiều đơn vị giao hàng, đi chợ hộ cho biết do phải tiếp tục làm việc với cơ quan chức năng để hoàn thiện quy trình và nắm rõ các bước thực hiện, hầu như tài xế chưa thể hoạt động được thực tế từ 30/8.
Chiều 30/8, một số đơn vị cho hay tài xế của họ có thể được xét nghiệm và hoạt động chính thức từ thứ Ba (31/8).
Grab và Be xác nhận đã tổng hợp danh sách đối tác tài xế đủ điều kiện, phân bổ và gửi về các cơ quan chức năng để triển khai việc xét nghiệm nhanh hằng ngày (với tài xế hoạt động ở vùng đỏ) hoặc 2 ngày một lần (với tài xế hoạt động ở vùng xanh).
"Dự kiến, việc xét nghiệm này sẽ bắt đầu từ sáng 31/8 và duy trì đến khi có thông báo mới từ cơ quan chức năng", đại diện Grab nói và cho biết cũng sẽ mở lại GrabMart và GrabExpress tại TP Thủ Đức và 7 quận, huyện trong "vùng đỏ" từ 31/8, bên cạnh việc tiếp tục duy trì dịch vụ tại 14 quận, huyện thuộc "vùng xanh. Be cũng dự kiến hoạt động từ 31/8.
ShopeeFood, đơn vị đã có gần 6.000 tài xế đã tiêm vaccine tại các địa phương ở TP HCM cho biết vẫn "đang làm việc chặt chẽ với cơ quan chức năng cũng như phối hợp sát sao với các tài xế nhưng chưa có thông tin xác nhận về thời điểm vận hành lại ở "vùng đỏ".
Gojek thì cho biết đang chờ hướng dẫn về hình thức xác nhận kết quả xét nghiệm nhanh.
Về quy trình theo yêu cầu mới nhất, để shipper hoạt động lại, các nền tảng phải nộp danh sách đủ điều kiện hoạt động cho Sở Công Thương. Lực lượng shipper sẽ được kiểm tra thường xuyên theo hình thức tra cứu trực tuyến. Các shipper có tên trên cổng tra cứu sẽ là những người được phép hoạt động và chỉ hoạt động trong phạm vi một quận, huyện và TP Thủ Đức.
Hàng ngày, đối với 8 quận, huyện vùng đỏ (thành phố Thủ Đức, quận 8, 12, Gò Vấp, Bình Tân, Bình Thạnh, huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn), các shipper phải được test nhanh (mẫu gộp 3) từ 5-6h hàng ngày. Tại 14 quận, huyện còn lại, shipper phải xét nghiệm 2 ngày một lần theo mẫu gộp 3 người. Lực lượng này sẽ đến xét nghiệp tại 414 trạm y tế lưu động do quân y phụ trách tại nơi mình cư trú.
Nhưng dù có thể vận hành lại từ 31/8, nhiều vấn đề cần được các bên tiếp tục giải quyết. TP HCM cho biết sẽ xét nghiệm Covid-19 miễn phí cho các shipper trên địa bàn trong một tuần, sau đó sẽ tính toán phương án xét nghiệm phù hợp với tình hình thực tế. Nhưng Gojek cho biết, họ chưa có thông tin về chi phí xét nghiệm sau ngày này.
Một số nền tảng được VnExpress khảo sát cũng chưa phản hồi phương án cụ thể. Đây có thể là một thách thức sắp đến đối với các doanh nghiệp, khi phải tính toán thêm phần chi phí phát sinh từ việc xét nghiệm, rằng có hay không việc phải bù lỗ hoặc cộng thêm vào giá dịch vụ.
Theo dữ liệu của Sở Công Thương, tính đến ngày 28/8, đã có 17.449 shipper được tiêm mũi 1 tại 22 quận, huyện và thành phố Thủ Đức. Cơ quan này tính toán, trong điều kiện giãn cách và được giao liên quận thì mỗi shipper có thể giao nhận 20-25 đơn hàng mỗi ngày. Nếu huy động được 25.000 shipper có thể phục vụ nhu cầu mua sắm của khoảng 500.000 đến 650.000 hộ gia đình. Tuy nhiên, hiện tại các shipper chỉ có thể giao được nội quận nên năng suất là chưa rõ.
Cùng với đó, bao nhiêu trong số gần 17.500 shipper này chấp nhận quay lại công việc cũng là câu hỏi lớn. Cả Grab, Be và ShopeeFood đều không đưa ra bình luận về việc tài xế hưởng ứng ra sao trước quy định mới. Trong khi đó, trên các nhóm cộng đồng shipper TP HCM, nhiều tài xế đăng bài kêu gọi đồng nghiệp tiếp tục tắt ứng dụng, dừng công việc.
Anh Phú, shipper chuyên nhận chuyến khu vực TP Thủ Đức, đã ngừng việc hơn cả tháng nay. Anh giải thích bản thân và một số đồng nghiệp rất e ngại vì có thể phải đối mặt với nguy cơ nhiễm bệnh khi hoạt động. Chưa kể, các tài xế lại không an tâm hoạt động sau nhiều sự vụ không đồng nhất khi kiểm tra shipper của các chốt phòng dịch.
Ngoài ra, theo anh, quy định về việc test nhanh mỗi ngày tại vùng đỏ cũng là một chướng ngại rất lớn cho nhiều người. "Hhiểu shipper cũng có thể là nguồn lây nhiễm rất lớn nhưng việc phải chịu nhiều quy định và test nhanh mỗi ngày khiến anh em chúng tôi không hào hứng làm việc", anh Phú chia sẻ.
Thừa nhận có chuyện shipper tiếp tục kêu gọi "tắt app", đại diện một hãng vận tải công nghệ yêu cầu giấu tên cho biết, nguyên nhân phần lớn là tâm lý "ngộp" trước nhiều quy định đặt ra và thay đổi liên tục trong thời gian qua. Hiện tại, shipper đang chịu cảnh bị 3 lớp quy định chồng lên nhau.
Trước khi ra khỏi nhà, họ phải trang bị đủ bộ nhận diện gồm đồng phục của công ty, bảng đeo tay shipper. Việc đầu tiên vào mỗi buổi sáng là phải đến các trạm y tế lưu động để test nhanh, trong đó tập trung đông người có thể nảy sinh nguy cơ lây nhiễm chéo. Sau đó, khi đến các chốt kiểm soát, họ phải xuất trình kết quả tra cứu trên web Sở Công Thương để chứng minh bản thân nằm trong danh sách được phép hoạt động và thực hiện khai báo y tế.
"Ở góc độ nào đó, quy định mới không phải là nới lỏng hoạt động cho shipper mà đang siết chặt hơn, trong đó, các shipper vùng xanh thay vì chỉ hai lớp quy định, nay phải thực hiện thêm việc xét nghiệm hai ngày một lần. Điều này gây khó cho cả shipper và doanh nghiệp quản lý", người này nói thêm.
Viễn Thông - Tất Đạt