Sinh ra ở Nga năm 1973 và chuyển tới Mỹ khi mới 6 tuổi, Brin được biết đến như là một trong những người nhập cư nổi tiếng và giàu có nhất ở Mỹ. Ông là "con nhà nòi" về khoa học bởi bố là Giáo sự toán tại Đại học Maryland còn mẹ là chuyên gia nghiên cứu của NASA. Chính vì thế, ông không có tố chất của một doanh nhân hay một nhà điều hành giống như Larry Page, nhưng niềm say mê khám phá dường như không bao giờ cạn trong con người ông.
Theo học tại Đại học Marryland, Brin luôn đứng đầu lớp về các môn tự nhiên. Khi chuyển sang Đại học Stanford, ông nổi tiếng với thói quen vào phòng các giáo sư mà không gõ cửa. "Một thanh niên kiêu ngạo, nhưng thông minh", Giáo sư Rajeev Motwani nhớ về cậu sinh viên có khuôn mặt bầu bĩnh, trẻ măng nhưng luôn toát lên vẻ tự tin.
Cũng tại đây, Brin có một người bạn mới: Larry Page. Hai người sớm nhận ra họ cùng hoài bão và cùng nhau phát triển công cụ tìm kiếm web mang tên Back Rub, tiền thân của Google. Khi thành lập Google vào năm 1998, Brin đảm nhiệm chức Giám đốc công nghệ và nhanh chóng được giới công nghệ ưu ái gọi là "ông vua tìm kiếm". Ông cũng là người đánh giá cái gì nên và không nên làm. Ở Google có một khẩu hiệu nổi tiếng "Don't be evil" (Đừng làm điều xấu) và khi tạp chí Wired hỏi điều xấu ở đây là gì, Chủ tịch Google Eric Schmidt trả lời: "Xấu là những gì Sergey cho là xấu".
Năm 2008, Brin trả trước 4,5 triệu USD trong tổng số 20 triệu USD cho công ty du lịch Space Adventures để đặt chỗ trong chuyến bay Russian Soyuz tới trạm không gian quốc tế ISS. Nhưng trước khi điều đó xảy ra, ông tập trung thời gian cho các dự án về trí tuệ nhân tạo (AI), năng lượng và biến đổi khí hậu vì ông muốn "giải quyết những vấn đề lớn của thế giới bằng công nghệ thông tin". Đây là một trong những lý do Google X Lab ra đời.
Phòng thí nghiệm này được Business Insider lần đầu nhắc tới vào tháng 6/2011, nhưng chỉ nói rằng phòng thí nghiệm đó có khả năng tồn tại, chuyên thực hiện các dự án đặc biệt và do Sergey Brin phụ trách. Thông tin về Google X chỉ được xác nhận qua bài báo của The New York Times tháng 11/2011 và cũng từ đó, Google bắt đầu thoải mái hơn khi nói về bộ phận tối mật này.
Màn trình diễn ngoạn mục đó cho cả thế giới thấy tài năng của Sergey Brin không chỉ giới hạn trong công cụ tìm kiếm web. "Mục tiêu của chúng tôi là đưa điện toán từ những cỗ máy mainframe khổng lồ sang laptop, rồi tới điện thoại và tiến đến là những thiết bị với kiểu dáng khác nhau nhưng đều nhẹ và không cần cầm tay (đeo trên người). Đó là sự tự do", Brin khẳng định trên Bloomberg. "Google X là nơi thực hiện các ý tưởng mạo hiểm nhưng mới mẻ về công nghệ, biến khoa học viễn tưởng thành sự thật. Chúng tôi không nghĩ về sản phẩm đã tồn tại trên thị trường, thay vào đó chúng tôi thử nghiệm những thứ đột phá dù cuối cùng có thể thất bại".
Google X gồm 2 địa điểm: một tại chính trụ sở Google ở Mountain View và một nằm ở khu vực không xác định tại California (Mỹ). Larry Page và Sergey Brin đã duyệt danh sách khoảng 100 ý tưởng táo bạo, ngoài những thứ nhiều người đã biết như kính tương tác, xe không người lái, nhận diện giọng nói... còn là dự án thang máy đưa con người di chuyển trong không gian qua ống nano siêu bền dài 35 km, dự án Web of Things (đồ vật kết nối, như bóng đèn tương tác chạy Android) hay dự án phát triển robot đại diện cho con người tới công sở.
"Chúng vẫn còn quá xa vời. Nhưng Google đâu phải công ty bình thường", Rodney Brooks, thuộc viện công nghệ MIT, tin tưởng.
Là một trong những tỷ phú giàu nhất thế giới, Brin vẫn sống giản dị và khiêm tốn, không bao giờ vung tiền theo kiểu đại gia. Trong mắt những người quen biết, ông không chỉ thông minh, giàu có mà còn là một trong những chuyên gia công nghệ làm việc chăm chỉ nhất thế giới. Tạp chí Fortunes cho hay, từ năm 2004, Brin và Larry Page đã thỏa thuận làm việc cùng nhau ít nhất trong 20 năm. Với Google X, hai nhà đồng sáng lập Google vẫn đang hướng đến những giấc mơ lớn làm thay đổi cả thế giới.
Châu An