Khi Martin Sorrell, CEO của tập đoàn quảng cáo WPP Group, đến thăm Google mùa thu trước, Larry Page đã điều một xe đi đón ông ở khách sạn Rosewood cách đó hơn 30 km. Đáng nói là đó không phải một chiếc xe như người ta thường thấy. Chiếc Lexus SUV này tự lái nhờ một loạt công cụ công nghệ cao như radar, cảm biến, máy quét laser có thể thực hiện 1,5 triệu lượt đo mỗi giây. Trong khoảng 20 phút, xe đã "lạng lách", rẽ cua, giảm tốc độ hoặc vượt qua những xe khác một cách chính xác trên xa lộ I-280 và khu vực đông đúc State Route 85. "Thật không thể tin được", Sorrell sau đó đã chia sẻ sự thán phục.
Dự án xe không người lái không phải là thú tiêu khiển hạng sang của Page. Ông tin đây là tương lai của giao thông. Trong khi nhiều người nghĩ ý tưởng này ngớ ngẩn, nguy hiểm và chẳng có gì thú vị, Page lại đón nhận những ý kiến đó một cách bình thản. Là cha của 2 đứa trẻ, ông cho rằng dự án của mình khi hoàn thiện sẽ mang đến sự an toàn cho con người. Khi được lập trình điều khiển, xe sẽ lưu thông theo trật tự cũng như biết tính toán đường đi hơn so với con người, nhờ đó tiết kiệm năng lượng và chi phí. Ông ví dụ, đại bản doanh của Google đang thiếu chỗ đỗ xe và số tiền đầu tư cho khu đỗ mới lên tới 40.000 USD/xe. "Vậy tại sao không để ôtô thả bạn ở cửa rồi tự lái đến điểm đỗ không quá xa đó. Khi cần đi ra khỏi tòa nhà, điện thoại sẽ thông báo và xe lập tức xuất hiện khi bạn bước xuống bậc thang", Page mô tả.
Nghe có vẻ lạ lẫm như trong phim viễn tưởng nhưng đó chính xác là những gì Page muốn Google phát triển. Từ khi thành lập công ty năm 1998, ông đã cùng Sergey Brin lên kế hoạch lâu dài cho các dự án táo bạo và ông cũng là người đưa ra các ý tưởng điên rồ nhất. Một vài trong số đó đã thành hiện thực, như việc chụp từng mét những con đường để tạo ra "phiên bản ảo" của thế giới thực (dự án bản đồ số), hay quét mọi cuốn sách in để tạo ra thư viện số lớn nhất thế giới, hay xây dựng công cụ có thể dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác (hiện đạt 4.200 cặp).
Ý tưởng lạ lùng và lối quản lý thực dụng hiếm khi song hành với nhau. Nhưng người ta nhìn thấy cả hai điều đó ở Page khi ông thôi thúc đội ngũ kỹ sư và điều hành theo đuổi những giấc mơ lớn nhưng vẫn tạo ra một công ty đạt doanh thu 38 tỷ USD (năm 2011) với 53.000 nhân viên tài năng.
Khi Page tiếp quản chức CEO vào tháng 4/2011, cỗ máy tìm kiếm đột phá của họ bắt đầu có dấu hiệu "già cỗi" và tư tưởng quan liêu cũng bắt đầu hình thành. Page nhanh chóng cải tổ công ty, khiến ban lãnh đạo gánh thêm nhiều tránh nhiệm và hướng Google tập trung vào một số mảng sản phẩm trọng điểm. Ông sẵn sàng khai tử cả chục dự án không cần thiết hoặc không thành công như Google Health. Các thay đổi này khiến không khí làm việc kiểu "dạo chơi" tại Google thập kỷ đầu giảm bớt nhưng đa số đồng ý rằng Google đang liên kết và tăng tốc hơn từ khi Page "lên ngôi".
Ở Google có 7 lãnh đạo sản phẩm chủ chốt, hình thành nên nhóm L-Team (Larry Team). Họ gặp nhau vào trưa thứ hai hàng tuần để trao đổi các vấn đề phát sinh trong mỗi bộ phận. Cuộc gặp gỡ luôn kết thúc bằng các hành động chiến lược và Page không bao giờ quên. "Khả năng điều hành của Page rất ấn tượng và ông ấy đang vượt qua mọi thứ. Thật đáng kinh ngạc khi chứng kiến ông ấy đã làm tốt như thế nào", nhà đầu tư mạo hiểm Ben Horowitz nhận xét. Quyết định sáp nhập Android đã là một chiến thắng, nhưng quan trọng hơn, dưới sự lãnh đạo của Page, Android và YouTube đã thăng hoa, làm câm lặng mọi chỉ trích và nghi ngờ trước đó.
Page từ lâu vẫn nói mối đe dọa lớn nhất mà Google phải đối mặt chính là Google và từ khi trở thành Tổng giám đốc, ông đã cố gắng đầy lùi sự quan liêu hay bất cứ thứ gì làm chậm sự đổi mới. Ông từng đề nghị Sundar Pichai, Phó chủ tịch phụ trách trình duyệt Chrome, tiết kiệm vài giây khi sắp đến lượt lên sân khấu phát biểu. "Ông nên đứng đợi gần sân khấu để mọi người không phải chờ lâu", Pichai nhắc lại lời khuyên của Page.
Ông cũng tính toán và đưa ra các quyết định rất nhanh chóng. Trên một chuyến bay cách đây không lâu, ông gọi quản lý Nikesh Arora ra gần cửa sổ. Họ đang bay qua Nevada và Page chỉ tay xuống sa mạc nơi lễ hội Burning Man diễn ra hàng năm, nói rằng Google cần cải tiến hình ảnh bản đồ bằng cách triển khai các máy bay tầm thấp ở Mỹ. Vừa nói, ông vừa nhẩm tính các chi phí đầu tư. Hiện Google Earth đã có bản đồ 3D ở nhiều thành phố nhờ ảnh chụp từ trực thăng và máy bay. "Ông ấy luôn hướng mọi người tới những cách nghĩ khác biệt", Arora cho hay.
Page đã "nghĩ khác" từ khi còn trẻ. Sau khi có bằng kỹ sư tại Đại học Michigan, ông theo học ở Stanford, nơi ông gặp Sergey Brin. "Một trong những ý tưởng xa vời của Page là kế hoạch tải toàn bộ web để nghiên cứu các site liên kết với nhau như thế nào", Terry Winograd, cố vấn học thuật của Page, kể lại. "Làm sao có thể tin một sinh viên lại thực hiện được điều đó". Và Page đã làm điều như thế khi cùng với Brin xây dựng Google. Sau đó, họ mời Eric Schmidt về làm CEO (Schmidt hiện là Chủ tịch còn Brin quản lý phòng thí nghiệm tối mật Google X).
Dù vậy, việc xếp Larry Page vào danh sách các CEO vĩ đại vẫn còn quá sớm. Ông còn nhiều việc phải làm để người ta thấy được giá trị ổn định, lâu dài của Google trong giai đoạn cạnh tranh khốc liệt, gồm cuộc chiến với Apple trên đấu trường điện toán di động, cuộc chiến với Facebook về mạng xã hội, hay Amazon đang là công cụ tìm kiếm mặc định của những người chuyên mua sắm trực tuyến.
Một vấn đề nữa là ở tuổi 39, ông chưa thể hiện được sức hút của một CEO điển hình mà thay vào đó là thái độ có vẻ nhún nhường, hướng nội. Những người quen biết nhận xét Page vừa tự tin vừa khiêm tốn nhưng không có kiểu ăn nói hài hước. Ông sống khá khép kín và mới chỉ thực hiện vài cuộc phỏng vấn báo chí dù nhận chức CEO đã được gần 2 năm. Với các nhà đầu tư và cả thế giới, ông vẫn là một bí ẩn. "Thật khó nhận xét chính xác về ông bởi chúng tôi chẳng có cách nào tiếp cận được", Ben Schachter, chuyên gia Macquarie Group, cho hay. "Khi bạn bỏ ra tới 12 tỷ USD để mua Motorola nhưng lại không đưa ra lời giải thích nào về chiến lược, các nhà đầu tư sẽ cảm thấy khó khăn và bực bội".
Đương nhiên, các nhà đầu tư có quyền lo lắng bởi Page vẫn không mấy khi đưa ra lý do thuyết phục rằng một số dự án của ông là hợp lý. Chẳng hạn, Page nói Google+ rất thành công, nhưng các nhà phân tích lại chỉ thấy đây là mảnh đất hoang. Hay nhiều người vẫn đang cố lý giải Motorola Mobility sẽ giúp ích gì cho hệ sinh thái Android. Chưa kể, Dennis Woodside, trưởng bộ phận Motorola, không bao giờ được tham gia các cuộc họp của L-Team.
Nhưng như đã nói, Page luôn là một ẩn số. Và hẳn ông sẽ còn một vài thứ khiến mọi người ngạc nhiên. "Không có nhiều người tâm huyết và dám đầu tư cho những thay đổi lớn", Page nói. Với ông, đó thực sự là một cơ hội.
Phần 2: Sergey Brin - người biến giấc mơ thành hiện thực với Google X Lab
Châu An (theo Fortune)