Triết gia Jovo Bakic có bài phân tích được lược dịch dưới đây, trên tờ Politiken, một trong những tờ báo lớn nhất của Đan Mạch, để nói về sự lựa chọn của người Serbia.
Một phụ nữ đi qua poster vận động tranh cử. Bên phải là ứng viên đảng dân tộc Kolonic thân Nga, bên trái là tổng thống Tadic chủ trương thân phương Tây. Ảnh: AFP. |
Serbia sẽ đi con đường nào nếu như nền độc lập của Kosovo được đa số các nước trong Liên minh châu Âu thừa nhận? Khả năng này trước tiên khiến người Serbia phản ứng dữ dội: “Nếu EU thừa nhận Kosovo, Serbia phải từ chối gia nhập Liên minh”.
Trong cuộc bầu cử đang diễn ra, danh tính tân tổng thống sẽ cho thấy sự lựa chọn của người Serbia giữa ba khả năng cho tương lai của mình: một là gia nhập EU, hai là đơn độc và ba là xích lại gần Nga hơn.
Nếu nhìn vào các cuộc thăm dò trước ngày bầu cử hôm qua, hơn hai phần ba số người Serbia được hỏi muốn gia nhập EU càng nhanh càng tốt. Ưu điểm của lựa chọn này thì quá rõ: tiếp cận với nguồn vốn phát triển châu Âu, mở cửa vào một thị trường lao động, thị trường hàng hóa và vốn rất lớn, rồi được du lịch trong Không gian Schengen không cần thị thực, và gia nhập vào đại gia đình các dân tộc châu Âu mà người Serbia vẫn cho là mình thuộc vào đó.
Đảng Dân chủ Serbia (DSS) của Thủ tướng Vojislav Kostunica đến nay vẫn ủng hộ việc nước này gia nhập EU. Nhưng từ khi nền độc lập của Kosovo ngày càng có khả năng được thừa nhận, thì DSS đã bắt đầu nghi ngờ lựa chọn này. Logic của họ là: nếu EU thừa nhận Kosovo, thì để trừng phạt Brussels chúng tôi sẽ từ chối gia nhập Liên minh!
Trên thực tế logic này sẽ trừng phạt chính Serbia nhiều hơn là EU. Dù Brussels có chính thức tuyên bố ủng hộ sự xích lại dần dần của các nước Balkans với Liên minh, thì việc đó có trở thành hiện thực hay không phụ thuộc vào khả năng gia nhập của họ. Và việc Serbia xích lại với EU hoàn toàn gắn liền với sự lựa chọn độc lập cho Kosovo.
Nếu đứng ngoài EU và NATO, Belgrade sẽ buộc phải tìm các đối tác kinh tế khác, trong khi Liên minh hiện là đối tác chính. Liệu họ có sẵn sàng cho điều đó?
Ngày nay, trên thế giới, tự lập tự chủ chỉ là một lựa chọn ảo. Vậy Serbia liệu có muốn tương lai của mình xích lại gần hơn với Nga và biến thành một tỉnh của Nga như một số người dân tộc cực đoan mong muốn hay không? Khả năng này chỉ có thể xảy ra nếu cả Matxcơva và Belgrade cùng thực sự muốn. Nhưng họ hoàn toàn không như vậy.
Nga sẽ không muốn làm gì gây nguy hại cho quan hệ với EU chỉ vì Serbia. Các cường quốc thường muốn giữ quan hệ với các nước lớn hơn là với những nước nhỏ cơ hội.
Vả lại, Serbia cũng sẽ không phải là một "đồng minh ngoan ngoãn" của Matxcơva, kể cả trong quá khứ cũng như tương lai. Sự hào hứng của người Serbia trước việc được Nga hậu thuẫn có thể dễ dàng bốc hơi ngay một khi họ thấy quyền lợi của mình được đặt bên dưới lợi ích của Matxcơva.
Bạch Dương (theo Courrier International)