Bộ trưởng Quốc phòng Serbia Milos Vucevic ngày 16/12 thông báo nước này đã gửi đề nghị "tái triển khai 1.000 binh sĩ và cảnh sát Serbia tới vùng lãnh thổ ly khai Kosovo" cho lực lượng gìn giữ hòa bình do NATO lãnh đạo.
Trước đó, Tổng thống Aleksandar Vucic tuyên bố động thái triển khai cảnh sát và binh sĩ nước này đóng vai trò quan trọng để bảo vệ người Serbia sống tại Kosovo và giảm đáng kể căng thẳng trong khu vực. Tuy nhiên, ông Vucic dự báo đề xuất "gần như chắc chắn sẽ không được chấp thuận".
Thiếu tướng Angelo Michele Ristuccia, chỉ huy lực lượng gìn giữ hòa bình KFOR của NATO tại Kosovo, ngày 16/12 khẳng định lực lượng dưới quyền ông vẫn kiểm soát tình hình tại khu vực. Tướng Ristuccia không trực tiếp hồi đáp đề nghị triển khai quân của Serbia.
"Chúng tôi mong muốn các bên phối hợp chặt chẽ với KFOR và kiềm chế những hành vi khiêu khích bằng vũ lực để đảm bảo an toàn, an ninh cho tất cả cộng đồng", tướng Ristuccia cho biết.
"KFOR có đầy đủ năng lực, trong đó có nhân sự, để cung cấp môi trường an toàn và đảm bảo quyền tự do di chuyển cho mọi cư dân tại Kosovo", chỉ huy KFOR tuyên bố.
Căng thẳng bùng phát sau khi giới chức Kosovo bắt một người bị tình nghi phạm tội ác chiến tranh tại thị trấn Mitrovica, nơi đa số dân Serbia sinh sống. Người bị bắt là cựu sĩ quan cảnh sát của Serbia.
Tức giận với vụ bắt cựu sĩ quan cảnh sát, hàng trăm người Serbia đỗ xe tải chắn ngang làm tê liệt giao thông trên tuyến đường qua hai trạm kiểm soát cửa khẩu giữa Kosovo và Serbia. Cảnh sát Kosovo ngày 10/12 thông báo họ ba lần bị tấn công bằng súng trên một trong các tuyến đường tới ranh giới giữa vùng ly khai và Serbia.
Lực lượng cảnh sát của Liên minh châu Âu (EU), được triển khai tại Kosovo trong khuôn khổ Sứ mệnh Pháp quyền của EU tại Kosovo (EULEX), cho biết đơn vị của họ bị ném lựu đạn gây choáng, song không sĩ quan nào bị thương. "Cuộc tấn công này, cũng như vụ nổ súng vào các sĩ quan cảnh sát Kosovo, là hành vi không thể chấp nhận", EULEX cho biết.
Kosovo, với diện tích khoảng 10.800 km2, là vùng lãnh thổ ly khai nằm ở phía tây nam Serbia. Kosovo tuyên bố độc lập năm 2008, song Serbia không công nhận và tuyên bố chủ quyền với khu vực này. Kosovo có 1,8 triệu dân, chủ yếu là người gốc Albania. Khoảng 120.000 người Serbia sống tại khu vực.
Nguyễn Tiến (Theo AFP)