Xuất hiện ở TP HCM được 4 tháng và mới đây tại Hà Nội, dịch vụ Uber đã gây tranh cãi khi Hiệp hội taxi TP HCM cho rằng hoạt động kinh doanh này hoàn toàn trái quy định và điều kiện vận tải hành khách bằng ôtô. Trước sự việc này, ông Mike Brown - Giám đốc phụ trách khu vực Đông Nam Á của Uber đã có buổi chia sẻ với VnExpress để làm rõ những thông tin liên quan.
- Uber mới thâm nhập vào thị trường Việt Nam, song tuần trước đã có 2 tài xế hoạt động theo hình thức này bị kiểm tra và lập biên bản. Ông có thể nói gì về điều này?
- Tại Việt Nam, Uber vẫn còn là một ứng dụng khá là mới. Trước đây, các tài xế taxi phải chạy trên đường để tìm kiếm khách hàng, rất không hiệu quả, tốn xăng... Nhưng với Uber, lái xe biết ở đâu đang cần họ và khách hàng có thể liên hệ trực tiếp với tài xế ở nơi gần nhất. Kết quả là có một hệ thống hiệu quả hơn, tài xế tiết kiệm được thời gian, kiếm được nhiều tiền hơn bởi không phải đi lòng vòng tìm khách.
Mỗi tài xế taxi dùng Uber đều tuân thủ pháp luật Việt Nam, nghĩa là phải có bằng lái xe, đăng ký xe hợp lệ… Mọi yêu cầu về pháp luật đều được Uber và các tài xế hợp tác tuân thủ.
Điều chúng tôi cần làm là tiếp tục giải thích với Chính phủ Việt Nam về mô hình hoạt động để cơ quan chức năng có thể hiểu ứng dụng này hoạt động như thế nào. Việc xảy ra ở TP HCM có thể khiến người dùng hiểu sai về dịch vụ. Chúng tôi mong các nhà làm chính sách hiểu rằng bản thân không kỳ vọng có những rắc rối tương tự xảy ra trong tương lai.
- Ông giải thích như thế nào về việc Uber hoạt động không có giấy phép, trái pháp luật Việt Nam?
- Uber không phải là một công ty taxi, mà là một công ty công nghệ. Chúng tôi không sở hữu đội xe hay thuê lái xe mà chỉ đơn giản kết nối người cần di chuyển với lái xe của các doanh nghiệp vận tải đã đăng ký. Điều này cũng giống như eBay kết nối người mua hàng và ngưới bán hàng.
- Các khách hàng đi taxi qua dịch vụ Uber đều phải trả tiền, trong đó 80% được chia cho phía doanh nghiệp vận tải đối tác, 20% thuộc về Uber. Công ty sẽ thực hiện nghĩa vụ đóng thuế thế nào với khoản doanh thu này?
- Trước khi vào một thị trường nào đó chúng tôi tìm hiểu thị trường đó rất là kỹ, trong đó có thuế. Chúng tôi khẳng định hoàn toàn tuân thủ các quy định pháp luật.
- Ông có thể dẫn chứng về việc đóng thuế sau khi đã hoạt động ở TP HCM và mới đây đã có mặt ở Hà Nội hay không?
- Tôi không phải người phụ trách về tài chính, nếu bạn muốn hỏi chi tiết, tôi phải kiểm tra lại với bộ phận tài chính. Tuy nhiên, Uber mới hoạt động tại TPHCM 4 tháng nên tôi không rõ liệu đã diễn ra kỳ thu thuế đầu tiên hay chưa.
- Uber cho biết đã ký hợp tác với các hãng vận tải được cấp phép để đảm bảo lợi ích của người dùng. Tuy nhiên, công ty lại từ chối tiết lộ danh tính của những đơn vị này. Liệu điều này có phải là sự trốn tránh hay không?
- Việc giữ bí mật thông tin đối tác là nguyên tắc kinh doanh, công ty nào cũng như vậy. Tuy nhiên, tôi hy vọng bạn sử dụng Uber để tìm kiếm và có kết luận của riêng mình. Trong trường hợp cơ quan chức năng yêu cầu công bố thông tin, chúng tôi sẽ vui lòng hợp tác trong khuôn khổ pháp luật cho phép.
- Có ý kiến cho rằng những taxi dùng Uber cần phải có logo, biển hiệu đề phù hợp với quy định. Ý kiến của ông như thế nào?
- Tôi xin khẳng định lại là chúng tôi không phải là một hãng taxi, mà chỉ là một giải pháp công nghệ.
- Với những tranh cãi trong thời gian gần đây, các ông nghĩ sao nếu dịch vụ của Uber sẽ bị cấm ở Việt Nam như với Đức, Hàn Quốc, Australia, Philippines…?
- Uber là một công ty công nghệ kinh doanh hợp pháp. Chúng tôi rất mong muốn làm việc với Chính phủ Việt Nam. Trước mắt, chúng tôi hy vọng có cơ hội gặp gỡ Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải để giới thiệu về công nghệ của mình, cho thấy nó hoạt động như thế nào, có ích ra sao với thành phố. Quan trọng, chúng tôi muốn giải thích cặn kẽ với Chính phủ Việt Nam là cần tập trung vào vấn đề an toàn. Dịch vụ Uber sẽ giúp giảm tỷ lệ người dân uống rượu khi đang lái xe.
Chúng tôi cũng mong muốn được lắng nghe và có những gợi ý từ Chính phủ để có thể trở thành đối tác của Việt Nam. Với việc có mặt ở 50 quốc gia trên thế giới, mỗi tháng Uber tạo ra hơn 50.000 việc làm, giúp người có xe có thêm thu nhập.
- Trong lúc gặp nhiều ý kiến trái chiều, tại sao các ông lại quyết định có mặt tại Hà Nội?
- Chúng tôi chọn Hà Nội vì nhận thấy người dân ở đây đã mong muốn sử dụng dịch vụ này từ lâu. Họ có thể có được một lựa chọn với chi phí thấp và mức an toàn cao. Trước đó, ở TP HCM, chúng tôi đã nhận được những phản hồi rất tốt, số tài xế dùng Uber tăng lên mỗi tuần. Chúng tôi nhận định mức độ phát triển của Uber tại Việt Nam nhanh hơn rất nhiều so với các nơi khác.
Ra đời năm 2009 tại Mỹ và chính thức hoạt động năm 2010, ứng dụng Uber được xây dựng dành cho người dùng thiết bị di động thông minh có thể tìm kiếm một phương tiện chuyên chở thích hợp cho mình, cũng như tài xế có thể tìm thấy khách hàng nhanh nhất, giảm thiểu chi phí. Khi sử dụng phương tiện qua dịch vụ Uber, người dùng sẽ không trả phí trực tiếp bằng tiền mặt mà thanh toán thông qua thẻ tín dụng cá nhân. Tuy nhiên, dịch vụ này gặp khá nhiều trở ngại khi thâm nhập vào các quốc gia do vướng mắc các vấn đề liên quan đến an sinh xã hội, do đe dọa việc làm của những người đang hành nghề lái xe taxi |
Phương Linh