Qua 21 năm kinh nghiệm công tác của tôi, kinh qua một số vị trí, làm một số công việc khác nhau như: biên phiên dịch, giảng dạy, quản lý nguồn nhân lực, tư vấn luật, viết báo, viết văn thì tôi thấy rằng: làm việc với sếp giỏi thì tuyệt vời rồi, việc gì cũng có sếp chỉ đạo, hướng dẫn làm như thế nào, có khó khăn gì đã có sếp giải quyết giúp, ra cuộc họp đã có sếp báo cáo, bảo vệ và chịu trách nhiệm về chất lượng công việc của mình.
Nghĩa là, bạn đã có một chỗ dựa vững chắc, che mưa chắn gió cho bạn, bạn không phải sợ gì cả, cứ yên tâm làm việc theo sự chỉ đạo của sếp. Nhưng có thời điểm nào đó bạn rơi vào hoàn cảnh không may mắn, phải làm việc với sếp dốt thì sao?
Chị bạn tôi làm Phó trưởng phòng của một công ty, thời gian gần đây luôn cảm thấy chán nản, không thiết tha làm việc và muốn xin nghỉ việc.
Lý do là chị làm việc chăm chỉ, tích cực, giỏi chuyên môn nhưng khổ nỗi lại gặp ngay một ông Trưởng phòng chẳng biết gì mà thích ra oai, khoe mẽ, thích làm màu. Vì dốt nên sếp hay đố kỵ với người tài, giỏi hơn mình. Sếp không tin người tài, thậm chí, luôn tìm cách vô hiệu hóa họ. Bản thân sếp cũng cảm giác chị là cái gai trong mắt.
Chị đang có khả năng "tranh chức" của sếp, nên chị gặp nhiều vấn đề trong công việc. Các công việc chị đang phụ trách rất tốt đều bị chuyển cho người khác làm, sếp chỉ cho chị làm những công việc vô thưởng vô phạt, khó làm, không ai muốn làm hoặc những việc phải va chạm với nhiều người. Sếp không nghĩ đến lợi ích của công ty, chỉ đặt lợi ích của bản thân lên đầu tiên và luôn cho mình là đúng.
Những ai về phe sếp thì được sếp ưu ái, ai chống lại thì bị tẩy chay, trù dập, lôi kéo đồng minh cùng hại chị. Có những khi chị làm việc ngày đêm, để công việc thật tốt, nhưng vị sếp bất tài lại tranh công của chị. Các nhân viên khác cùng phòng nhiều người thông cảm và khuyên chị nên tìm chỗ khác để vươn xa hơn. Chị cứ băn khoăn có nên chuyển công tác không vì tiếc nuối 25 năm công tác đã gắn bó ở công ty.
Cùng trong hoàn cảnh như chị, nhiều nhân viên bất mãn với sếp mình. Nhưng quả thật, sẽ rất khó chịu nếu sếp đã kém, còn thích chứng tỏ quyền lực của mình. Đối đầu với sếp thì chẳng được gì, bị sếp trù dập, gây khó khăn trong quá trình làm việc, mà cứ theo sếp thì công việc bế tắc, có khi làm sai, gánh hậu quả nặng nề, thậm chí phải chịu trách nhiệm liên đới. Nhất là nhiều ông sếp tính hay để bụng: ai góp ý thói hư tật xấu của sếp thì sếp nổi khùng nổi điên lên, quát tháo ầm ĩ, rồi thỉnh thoảng lại kiếm chuyện. Đó cũng trở thành nguyên nhân nghỉ việc của không ít nhân viên trẻ, giỏi.
Một số bạn bè của tôi nhiều lúc tâm sự cứ đòi nghỉ việc vì quan điểm của họ là: một công ty muốn phát triển được hay không phụ thuộc rất nhiều vào vai trò của người lãnh đạo. Nếu sếp có tài, sáng suốt, có tâm thì không chỉ công ty, mà cả cấp dưới cũng sẽ có tương lai và phát triển. Ngược lại, nếu lãnh đạo mà dốt, lại không có đạo đức thì cố làm việc lâu dài đôi khi khiến công việc và tương lai của nhân viên đi vào bế tắc, ức chế, mất hết nhiệt huyết trong công việc.
Quan điểm của tôi lại có phần trái ngược một chút. Tôi nghĩ rằng làm với sếp giỏi thì nhân viên giỏi là đương nhiên. Nhưng tôi cho rằng sếp dốt mới là người đào tạo nhân viên giỏi nhất. Bởi lẽ, họ không biết gì về chuyên môn, không biết gì mà chỉ đạo, hướng dẫn nhân viên làm việc, nhân viên phải tự nghĩ, tự giải quyết công việc và trình lãnh đạo ký.
Một số người là bạn bè của tôi luôn thấy chán nản vì sếp dốt, muốn chuyển việc. Tôi thì cho rằng đôi khi sếp dốt chính là thời cơ cho những nhân viên giỏi thể hiện khả năng của mình. Vì bạn sẽ phải tự nghĩ mà làm, không biết thì phải tìm cách học ở sách vở, học ở người khác giỏi hơn để mà làm.
Bạn biết chắc chắn ra cuộc họp, sếp sẽ không biết gì mà báo cáo hoặc nói sai linh tinh nên bạn sẽ phải tự làm sẵn báo cáo thật tốt đưa cho sếp chỉ việc đọc, tránh nói sai. Bạn biết sếp sẽ không bảo vệ mình nên bạn sẽ phải luôn làm việc với sự chỉn chu, cẩn thận nhất có thể và lường trước mọi tình huống xấu nhất có thể xảy ra để chuẩn bị sẵn.
Bạn phải học cách tự bảo vệ bản thân khi không có ai bảo vệ, không có ai che mưa chắn gió cho bạn. Nhờ đó, bạn biết cách làm chủ công việc và sắp xếp chúng hiệu quả. Xác định được mục tiêu và suy nghĩ không dựa dẫm. Bạn cũng rèn luyện được tính kiên nhẫn khi phải dạy sếp làm việc, dạy con học có thể cáu gắt, quát mắng nhưng dạy sếp thì phải nhẹ nhàng, còn phải dạ thưa kính gửi đủ kiểu, phải nhìn thái độ sếp sắp cáu chưa để lựa lời, tránh to tiếng với sếp.
Bạn sẽ học cách kiềm chế cảm xúc tốt hơn, dù trong lòng chỉ muốn chửi bậy nhưng bạn sẽ không nói ra, sẽ vẫn phải học cách nói những câu dễ nghe hơn để sếp đỡ ghét bạn. Chính thời gian phải làm việc với sếp dốt sẽ khiến bạn phải học cách trưởng thành hơn, cẩn thận hơn, làm việc tốt hơn là làm việc với sếp giỏi.
Sếp dốt buộc nhân viên phải tự bơi hết, muốn sống thì phải học bơi, phải học cách sinh tồn, không thì sẽ phải chết. Nhân viên sẽ không có sự lựa chọn nào khác là phải làm việc thật giỏi, nắm chắc mọi vấn đề để tự bảo vệ bản thân.
Nếu bạn suy nghĩ theo hướng của tôi thì bạn sẽ thấy việc đầu quân phải sếp dốt không hẳn là một thiệt thòi cho nhân viên. Đó sẽ là những năm tháng giúp bạn học hỏi được nhiều nhất, làm được nhiều việc nhất và trưởng thành nhất. Quá trình làm việc với họ sẽ dạy bạn khá nhiều điều như: Bạn sẽ cố gắng không trở thành một người sếp giống họ, rèn luyện khả năng giải quyết vấn đề, khả năng làm việc dưới áp lực cao, khả năng kiên nhẫn, khả năng chịu áp lực cao, khả năng kiềm chế cảm xúc.
Đối mặt với khó khăn và thử thách giúp bạn trở nên mạnh mẽ và quyết đoán hơn. Vậy nên trải nghiệm làm việc với một người sếp chưa tốt, cộc cằn, nóng tính cũng là một cách giúp bạn cải thiện kỹ năng giao tiếp hiệu quả. Đồng thời, khả năng giữ vững tinh thần dưới áp lực như vậy sẽ giúp ích cho bạn trên con đường sự nghiệp phía trước. Bạn sẽ học được cách nhìn nhận vấn đề ở nhiều khía cạnh và sự tập trung để đương đầu với các thử thách khó nhằn.
Nhìn chung, nếu làm việc với một người sếp giỏi, bạn sẽ học được cách đối nhân xử thế và kỹ năng quản lý hiệu quả, đối với một người sếp dốt, bạn biết mình không nên làm gì trong các tình huống tương tự. Nhưng trong quá trình đi làm của mình, bạn cũng không thể tránh được việc gặp phải một vị sếp dốt. Nhưng đừng để nó làm ảnh hưởng đến công việc và niềm đam mê của bạn. Nhân viên giỏi thì chẳng cần chọn lựa sếp. Hãy thử thay đổi tình thế bằng cách phấn đấu trong công việc, ngay cả khi sếp dốt thử xem. Hãy biết rời đi đúng lúc để tìm được người sếp phù hợp hơn, nhưng cũng đừng quên rút kinh nghiệm từ cách làm việc của họ.
Chúc các bạn luôn có lập trường, ý chí vững vàng, hoàn thành tốt mọi công việc và giữ được đam mê nhiệt huyết với công việc dù cho bạn phải làm việc với sếp như thế nào. Nếu một ngày nào đó, bạn không may gặp phải sếp dốt, bạn hãy nhớ đến điều này: Cá tin tưởng nước như vậy, nước lại đem cá nấu chín. Lá cây tin tưởng gió như vậy, gió lại đem lá thổi rơi. Ta yêu người đến như vậy, người lại làm tổn thương ta. Sau này ta mới hiểu được, nấu chín cá không phải là nước mà là lửa. Không phải gió thổi rụng lá cây mà là thời tiết. Tổn thương ta không phải người, là là chấp niệm của ta, bạn nhé.
Vũ Thị Minh Huyền
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.