Không giống như trào lưu chung của thị trường là sedan thoái trào, doanh số xuống rất thấp như cỡ C và cỡ D, sedan cỡ B vẫn còn đất phát triển tại thị trường Việt. Doanh số thị trường sedan cỡ B tháng 3 tăng trưởng mạnh, lên mức cao nhất từ đầu năm. Cụ thể, có 3.462 xe giao đến khách hàng vào tháng qua, hơn gần 50% so với tháng trước.
Mức tăng trưởng của thị trường sedan cỡ B tương đồng cả ngành (tăng 47%), cho thấy ngành ôtô tại Việt Nam đang dần ấm lên sau hai tháng đầu ảm đạm.
Mẫu xe Nhật Toyota Vios đã phải nhường ngôi đầu cho mẫu xe Hàn Hyundai Accent, với cách biệt chỉ là 8 xe. Accent bán ra 1.049 xe, tăng trưởng hơn gấp đôi so với tháng trước, còn Vios bán ra 1.041 xe, mức tăng trưởng là 38%. Tuy vậy, Vios vẫn dẫn đầu phân khúc sau quý I, Accent theo sau với cách biệt 251 xe.
Xếp hạng ba là một trong hai mẫu sedan cỡ B có doanh số giảm trong tháng qua, là Honda City. Mức bán của City là 690 xe, giảm nhẹ hơn 7% so với tháng trước. Tổng doanh số của City sau một quý là 2.001 xe, kém 33 xe so với Accent.
Sedan cỡ B không còn là cuộc đua song mã giữa Vios và Accent như trước, mà giờ đây City cũng đã tham gia. Sau ba tháng, cả ba mẫu xe này đều có mức doanh số trên 2.000 chiếc, với cách biệt không quá lớn giữa các mẫu xe.
Các mẫu xe xếp cuối bảng xếp hạng không có sự xáo trộn về vị trí. Trong đó, Mazda2 tăng nhẹ doanh số với biên độ tăng trưởng gần 22%, còn Mitsubishi Attrage tăng gần gấp 5 lần so với tháng trước. Xếp cuối là Kia Soluto, giảm 5 xe so với tháng 2. Soluto là mẫu xe "không còn sức chiến đấu" khi doanh số quá nhỏ, thua thiệt rất nhiều so với các đối thủ.
Những điểm sáng trong doanh số vào tháng qua cho thấy sự hiệu quả của những chương trình bán hàng, khuyến mãi kích cầu tiêu dùng của một số hãng xe để "chốt sổ" quý đầu của năm 2025, như Accent giảm 30-50 triệu đồng, Vios giảm 50% lệ phí trước bạ. Tuy nhiên điều này lại không xảy ra với City, các đại lý ưu đãi 50% lệ phí trước bạ nhưng không đạt hiệu quả bán hàng cao như hai mẫu xe dẫn đầu phân khúc.
Hồ Tân