Bộ Giao thông Vận tải vừa hoàn tất dự thảo Luật Đường bộ, kế thừa từ Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Dự thảo mới đã bổ sung nội dung đầu tư, xây dựng, quản lý, bảo trì và vận hành đường cao tốc.
Theo đó, với đường cao tốc được đầu tư công hoặc theo phương thức đối tác công tư (PPP), các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng được thu tiền dịch vụ sử dụng đường. Các tuyến cao tốc phải áp dụng thu phí theo công nghệ tiên tiến, hiện đại như điện tử không dừng.
Nhà nước bảo đảm đủ vốn ngân sách để đầu tư cao tốc do Nhà nước đầu tư, quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì; đủ vốn tham gia trong dự án theo phương thức đối tác công tư.
Đơn vị vận hành cao tốc phải phát hiện, cảnh báo và xử lý sự cố mất an toàn giao thông trên đường, theo dõi phương tiện hoạt động; kiểm tra đường cao tốc thường xuyên, kịp thời xử lý ùn tắc, tai nạn, sự cố.
Theo ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Đường bộ Việt Nam, các dự án cao tốc thường có vốn lớn, được đầu tư dưới hình thức nào cũng cần thu phí để hoàn vốn. Nhà nước có tiền hoàn vốn để tiếp tục đầu tư dự án cao tốc khác.
Các tuyến cao tốc đầu tư mới thường chạy song hành với quốc lộ nên người dân có thể chọn đi cao tốc trả phí hoặc đi trên quốc lộ (đường chưa được nâng cấp, cải tạo) không mất phí.
Hiện nay Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải nghiên cứu đề án thu phí các tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư. Nếu dự thảo Luật Đường bộ được thông qua thì việc thu phí tất cả cao tốc sẽ tiến hành đồng bộ.
Trước mắt việc thu phí sẽ tập trung các dự án cao tốc TP HCM -Trung Lương đã có, La Sơn - Túy Loan (Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng) sắp hoàn thành và 4 dự án cao tốc Bắc Nam dự kiến hoàn thành năm nay là Mai Sơn - quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây.
Dự thảo luật Đường bộ dự kiến được đưa vào kế hoạch xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022; xem xét cho ý kiến tại kỳ họp thứ ba khai mạc tháng 5.