Bộ Công Thương vừa công bố một số nội dung sau khi Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) kết thúc cơ bản đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA).
Đối với hàng xuất khẩu của EU, Việt Nam cam kết đưa thuế nhập khẩu ôtô về 0% sau từ 9 tới 10 năm. Xe máy dung tích xy-lanh trên 150 cm3 có lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu là 7 năm. Một số nước thành viên EU như Đức, Anh, Italy... hiện sở hữu những thương hiệu xe được ưa chuộng trên toàn thế giới như Audi, BMW, Mercedes-Benz hay Porsche (Đức); Bentley, Range Rover (Anh) hay xe máy Piaggio, ôtô Ferrari (Italy)...
Việt Nam cũng đồng ý xóa bỏ thuế nhập khẩu trong thời gian tối đa là 10 năm với rượu vang, rượu mạnh, bia, thịt lợn và thịt gà.
Ngược lại, EU cam kết xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu cho hàng dệt may, giày dép và thủy sản (trừ cá ngừ đóng hộp và cá viên) của Việt Nam trong vòng 7 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực. Với cá ngừ đóng hộp, EU đồng ý dành cho Việt Nam một lượng hạn ngạch thuế quan thỏa đáng.
Việt Nam cũng được cấp một lượng hạn ngạch đáng kể đối với gạo xay xát, gạo chưa xay xát và gạo thơm. Gạo nhập khẩu theo hạn ngạch được miễn thuế hoàn toàn. Riêng gạo tấm, thuế nhập khẩu sẽ được xóa bỏ theo lộ trình. Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế nhập khẩu về 0% trong vòng 7 năm.
Mật ong Việt Nam sẽ được miễn thuế ngay khi hiệp định có hiệu lực và không áp dụng hạn ngạch thuế quan. Toàn bộ các sản phẩm rau củ quả, rau củ quả chế biến, nước hoa quả khác, túi xách, vali, sản phẩm nhựa, sản phẩm gốm sứ thủy tinh về cơ bản sẽ được xóa bỏ thuế quan ngay khi EVFTA có hiệu lực.
Theo Bộ Công Thương, ngay khi hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực. Sau 7 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.
Liên quan đến thương mại dịch vụ và đầu tư, hai bên cam kết tạo môi trường đầu tư cởi mở, thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp. Cam kết của Việt Nam có đi xa hơn cam kết trong WTO. Cam kết của EU cao hơn trong cam kết trong WTO và tương đương với mức cam kết cao nhất của những FTA gần đây.
Các lĩnh vực mà Việt Nam cam kết thuận lợi cho các nhà đầu tư EU gồm một số dịch vụ chuyên môn, dịch vụ tài chính, dịch vụ viễn thông, dịch vụ vận tải, dịch vụ phân phối. Hai bên cũng đưa ra cam kết về đối xử quốc gia trong lĩnh vực đầu tư, đồng thời thảo luận về nội dung giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và Nhà nước.
Việt Nam và EU thống nhất các nội dung tương đương với hiệp định mua sắm của Chính phủ (GPA) của WTO. Với một số nghĩa vụ như đấu thầu qua mạng, thiết lập cổng thông tin điện tử để đăng tải thông tin đấu thầu..., Việt Nam có lộ trình để thực hiện. EU cũng cam kết dành hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam để thực thi các nghĩa vụ này. Việt Nam bảo lưu có thời hạn quyền dành riêng một tỷ lệ nhất định giá trị các gói thầu cho nhà thầu, hàng hóa, dịch vụ và lao động trong nước.
Về chỉ dẫn địa lý, Việt Nam sẽ bảo hộ trên 160 chỉ dẫn địa lý của EU (bao gồm 28 thành viên) và EU sẽ bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam. Các chỉ dẫn địa lý của Việt Nam đều liên quan tới nông sản, thực phẩm, tạo điều kiện cho một số chủng loại nông sản của Việt Nam xây dựng và khẳng định thương hiệu của mình tại thị trường EU.
Hiệp định EVFTA cũng bao gồm các chương liên quan tới cạnh tranh, doanh nghiệp Nhà nước, phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, pháp lý-thể chế. Các nội dung này phù hợp với hệ thống pháp luật của Việt Nam, tạo khuôn khổ pháp lý để hai bên tăng cường hợp tác, thúc đẩy sự phát triển của thương mại và đầu tư giữa hai bên.
Việt Nam và EU khởi động đàm phán hiệp định EVFTA vào ngày 26/6/2012. Sau gần 3 năm đàm phán, hai bên đã đạt được thỏa thuận nguyên tắc về toàn bộ các nội dung cơ bản của hiệp định, dự kiến cuối năm nay có thể chính thức ký kết. EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam với tổng kim ngạch hai chiều năm 2014 đạt hơn 36,8 tỷ USD.
Huyền Thư