Ông Jean - Jacques Bouflet. |
Ngày 4/8, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) công bố đã hoàn tất về nguyên tắc Hiệp định thương mại tự do (FTA) sau 3 năm đàm phán. Dự kiến, Hiệp định chính thức sẽ được ký vào cuối năm nay. Xung quanh vấn đề này, ông Jean - Jacques Bouflet, Trưởng bộ phận thương mại và kinh tế, phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) đã có buổi chia sẻ với báo chí để làm rõ hơn về lộ trình cắt giảm thuế quan và những tác động của hiệp định tới kinh tế hai khu vực.
- Ông có thể cho biết lộ trình giảm thuế cụ thể giữa Việt Nam và EU sau khi hiệp định có hiệu lực?
- Theo FTA, hai bên thống nhất sẽ dỡ bỏ 99% dòng thuế quan, trong đó, Việt Nam sẽ được miễn 65% dòng thuế xuất khẩu ngay ngày đầu tiên hiệp định có hiệu lực, phía EU là 71%. Lộ trình mở cửa hàng hóa với Việt Nam là 10 năm, chúng tôi là 7 năm. Sở dĩ có sự khác biệt này là do trình độ phát triển giữa hai bên còn chênh lệch nhau, doanh nghiệp Việt Nam cần thời gian dài hạn hơn để thích nghi với việc cắt giảm thuế.
1% EU giữ lại với phía Việt Nam chủ yếu là mặt hàng nông sản nhạy cảm sẽ chỉ được hưởng thuế 0% trong hạn ngạch nhất định.
- Thuế suất đối với dệt may, giày dép, nông sản của Việt Nam xuất khẩu vào EU sẽ là bao nhiêu, thưa ông?
- Tôi chưa có con số cụ thể ở đây. Nhưng với dệt may và giày dép, Việt Nam sẽ được giảm thuế về 0% sau 7 năm; thủy sản cũng tương tự với cá da trơn, tôm nước ấm. Cà phê chế biến không thuộc những nhóm hàng nhạy cảm nên chắc chắn sẽ được hưởng thuế suất 0% sau 7 năm.
Riêng mặt hàng gạo phải chịu hạn ngạch, như gạo hương là 30.000 tấn, gạo xay xát là 25.000 tấn và gạo sữa là 30.000 tấn một năm. Điều này có nghĩa các loại gạo trên sẽ được hưởng thuế 0%, nhưng chỉ với số lượng trong hạn ngạch.
Trong dỡ bỏ thuế quan có một khái niệm là nếu cả quá trình cam kết trong 7 năm thì sẽ chia đều cho mỗi năm số thuế đó. Ví dụ, thuế hiện tại là 25% thì trong 5 năm, mỗi năm sẽ giảm 5%. Nói cách khác, với lộ trình 7 năm, mỗi năm Việt Nam sẽ được xóa bỏ một phần bảy số thuế quan tại thời điểm chưa có hiệp định.
EU cũng đang áp dụng cơ chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) cho các mặt hàng của Việt Nam. Trong trường hợp các hàng hóa đã được hưởng GSP, khi tham chiếu sang FTA sẽ không bỏ ưu đãi đó, nói cách khác là sẽ được hưởng lợi theo mức cao nhất.
Chẳng hạn như dệt may, EU đang áp mức thuế suất 12% cho các nước thành viên Tổ chức thương mại thế giới (WTO) theo đãi ngộ tối huệ quốc (MFN), nhưng chúng tôi đã dành ưu đãi theo cơ chế GSP cho mặt hàng này của Việt Nam, tính trung bình là 9%, thấp hơn 3% so với MFN. Đáng lẽ khi ký FTA, Việt Nam phải bắt đầu từ mức 12% nhưng do đã được hưởng GSP nên chúng tôi vẫn dành cho các bạn mức thuế 9%, cho tới khi ưu đãi theo FTA thuận lợi hơn GSP thì sẽ hưởng theo mức mới.
- Ở chiều ngược lại, thuế xuất khẩu từ EU vào Việt Nam sẽ được miễn như thế nào?
- EU sẽ được dỡ bỏ thuế với dệt may, giày dép xuất sang Việt Nam ngay khi hiệp định có hiệu lực. Với thực phẩm đông lạnh, thuế với thịt lợn sẽ giảm về 0% trong 7 năm, thịt bò là 3 năm, thịt gà 10 năm, sữa trong 5 năm. Đồ uống có cồn là 7 năm.
Thời gian xóa bỏ thuế với xe máy nhập khẩu từ EU là 7 năm, áp dụng với những xe có dung tích lớn trên 150cc, ôtô trong 10 năm, riêng ôtô dung tích lớn thì 9 năm. Tôi không có chi tiết trong giai đoạn dỡ bỏ thuế quan đó thì sau bao lâu dỡ bỏ bao nhiêu phần trăm của thuế quan.
- Dệt may, nông sản là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất sang châu Âu, tuy nhiên, dường như lộ trình cắt giảm thuế quan này có lợi cho EU nhiều hơn?
- Thực tế, dệt may không phải là mặt hàng chịu hạch ngạch, trong dệt may có những mã hàng nhỏ sẽ được hưởng ưu đãi sớm, còn một số mặt hàng được dỡ bỏ thuế vào năm thứ 7. Nếu nói đây là hạn chế thì không phải, duy chỉ có vấn đề về nguồn gốc xuất xứ.
Theo hiệp định, dệt may phải đảm bảo quy chế chuyển đổi nguồn gốc xuất xứ kép, nói cách khác để được hưởng ưu đãi thuế quan thì ít nhất đảm bảo vải và quá trình sản xuất phải ở Việt Nam. Song, chúng tôi sẽ cho phép quy chế cộng dồn nguồn gốc xuất xứ, ví dụ hiện tại Việt Nam và EU đang có chung đối tác FTA là Hàn Quốc, nguồn nguyên liệu đến từ quốc gia này cũng được coi là của Việt Nam. Chúng tôi buộc phải đảm bảo nguồn gốc xuất xứ chặt để chắc chắn đó là hàng hóa Việt Nam.
Một số mặt hàng khác tôi thừa nhận còn tồn tại hạn ngạch, như gạo. Nhưng nếu mở cửa hoàn toàn cho sản phẩm này thì lợi thế chủ yếu sẽ là gạo rẻ tiền, còn nếu mở cửa có hạn ngạch, chắc chắn những mặt hàng gạo có chất lượng của Việt Nam sẽ có lợi và không có sự chui lủi của gạo Malaysia, Thái Lan hay Philippines.
Xét tổng thể, phần miễn giảm của EU dành cho Việt Nam rất lớn, các bạn có dư thời gian để chuẩn bị mở cửa thị trường. Bây giờ là lúc Việt Nam phải nâng tầm nhãn hiệu, tính tới xuất khẩu các mặt hàng có giá trị cao hơn để thu lợi nhuận cao.
- Khi thuế quan được gỡ bỏ, điều doanh nghiệp lo ngại là các hàng rào phi thuế quan ngày càng nhiều. Ông có lời khuyên gì cho doanh nghiệp Việt Nam?
- Chúng tôi không hề thiết lập hàng rào phi thuế quan để cấm doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu. Thực tế, đây là những hàng rào quy định kỹ thuật mà các công ty châu Âu cũng phải tuân thủ, được thế giới công nhận và dựa trên tiêu chí minh bạch, khoa học, có sự bình đẳng giữa hai bên. Tuy nhiên, hàng rào kỹ thuật phi thuế quan này trong FTA cũng được điều chỉnh để doanh nghiệp Việt Nam có thể thích nghi dần dần, và nếu vượt qua thách thức này, các bạn sẽ có phần thưởng lớn, đó là thị trường có thu nhập trung bình ít nhất 24.000 USD một năm và 560 triệu người tiêu dùng.
Thời gian qua cũng có một số sự việc cản trở xảy ra, nhưng đến từ phía khu vực tư nhân chứ không phải khu vực công châu Âu, như việc một tổ chức phi chính phủ đã có một báo nghiên cứu về tình hình cá da trơn của Việt Nam và lan truyền tin đồn về chất lượng xuất khẩu vào EU. Chúng tôi khẳng định đây không phải tiêu chuẩn của EU, các bạn phải xem xét thông tin đó từ đâu đến.
- Nhưng trong tương lai, nếu xuất hiện những hàng rào kỹ thuật gay gắt trong khu vực tư nhân với doanh nghiệp Việt Nam, các ông có biện pháp gì hỗ trợ?
Hiện tại, EU có những chương trình giúp doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh để thích ứng với hội nhập. Ưu tiên của chúng tôi vẫn là tiêu chí của khu vực công, còn những vấn đề do khu vực tư đưa ra là quan hệ giữa người mua với người bán, nếu nảy sinh vấn đề lớn chúng tôi sẽ can thiệp, nhưng hiện giờ thì chưa thấy.
- Ông đánh giá như thế nào về cán cân thương mại giữa hai bên sau khi ký FTA?
Việt Nam đang được hưởng mức thặng dư thương mại lớn sang EU, bình quân hằng năm, xuất khẩu của Việt Nam sang EU gấp đôi chiều ngược lại. Tôi tin rằng khi FTA được ký kết, xu hướng này sẽ duy trì. FTA là một hiệp định mang lại cơ hội cho cả hai phía.
- Liên quan đến đầu tư, xin ông cho biết những tiềm năng của Việt Nam trong lĩnh vực ngân hàng, viễn thông, hàng không sau FTA?
Đối với ngân hàng, Việt Nam hiện đã mở cho các nhà băng 100% vốn nước ngoài, nhưng điều khiến chúng tôi quan tâm hơn là được tăng tỷ lệ sở hữu. Với FTA, chúng tôi không có cơ hội được mua thêm cổ phiếu của ngân hàng cổ phần tại đây, sẽ có một số cải thiện nhất định tốt hơn so với những cam kết của Việt Nam tại WTO, song không lớn lắm.
Thị trường viễn thông cũng mở hơn, doanh nghiệp EU có nhiều cơ hội tiếp cận, đầu tư vào hạ tầng phi mặt đất, còn với hạ tầng gắn mặt đất thì không. Hàng không cũng là lĩnh vực chưa mở cửa, chỉ có hàng hải.
Theo Đại sứ - Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu, ông Franz Jessen, hiện toàn bộ nội dung đàm phán đã được giải quyết, chỉ còn chờ văn kiện được hoàn thiện và một số lưu ý cần trao đổi như bảo hộ đầu tư, giải quyết tranh chấp. Phía EU cần có những thảo luận nội bộ, không liên quan đến vấn đề của Việt Nam. Để có thể tận dụng tốt những lợi ích từ hiệp định, ông Jessen cho hay doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị sẵn sàng cho các sản phẩm của mình, tham gia ngày càng sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. "Tiêu chuẩn về sản phẩm ở châu Âu rất nghiêm ngặt, các doanh nghiệp muốn bán được hàng phải đáp ứng các tiêu chuẩn đó, kể cả vấn đề về bảo vệ người tiêu dùng. Chúng tôi luôn muốn thúc đẩy thông qua việc thông tin cho doanh nghiệp Việt Nam những thay đổi cũng như tiêu chuẩn hiện đại", đại diện EU nói. |
Phương Linh