Tiến sĩ Đỗ Sơn Hải, trưởng khoa Chính trị Quốc tế và Ngoại giao, Học viện Ngoại giao Việt Nam, thảo luận với VnExpress về tình hình Ai Cập.
- Thưa ông, đâu là nguyên nhân dẫn tới cuộc khủng hoảng chính trị hiện tại ở Ai Cập?
- Ai Cập vốn là một quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào ngành du lịch. Trong khi đó, suốt 30 năm cầm quyền, cựu tổng thống Hosni Mubarak, thay vì tập trung vào việc thúc đẩy kinh tế phát triển và xóa nhòa khoảng cách phân hóa giàu nghèo, lại chỉ quan tâm tới việc củng cố quyền lực của bản thân và để mặc tham nhũng hoàng hành.
Hơn nữa, bất ổn ở Ai Cập còn là một sản phẩm của hiệu ứng domino. Làn sóng cách mạng Mùa xuân Arab, bắt đầu bằng làn sóng biểu tình ở Tunisia hồi tháng 12/2010, đã nhanh chóng lan rộng tới hầu hết các quốc gia thuộc thế giới Arab, và Ai Cập cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, chính cách ứng phó của chính quyền, bằng việc lấy bạo lực chống bạo lực, mới là ngòi nổ khiến căng thẳng leo thang.
Một yếu tố khác cũng cần tính tới là tác động tiêu cực từ phía truyền thông. Hầu hết các kênh truyền hình nhà nước và những hãng thông tấn thế tục đều sẵn sàng cung cấp các thông tin chống người Hồi giáo và các tổ chức ủng hộ họ. Điều này càng khiến sự chia rẽ giữa cộng đồng người Hồi giáo và chính quyền gia tăng.
Một yếu tố nữa là đồng minh Mỹ đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc khủng hoảng này. Việc Washington từ bỏ việc hỗ trợ Cairo giống như một cú hích cuối khiến tranh chấp tất yếu sẽ xảy ra.
- Tại sao sau khi lật đổ cựu tổng thống Hosni Mubarak, quân đội Ai Cập lại đồng ý để Mohamed Morsi, một thủ lĩnh Hồi giáo, lên nắm quyền, rồi nhanh chóng hạ bệ ông ta chỉ một năm sau đó?
- Có thể nói tiến trình bầu cử tổng thống ở Ai Cập hồi năm 2012 giống như một cuộc trưng cầu dân ý, mà ở đó họ bị mắc kẹt giữa hai lựa chọn: đại diện của tổ chức Anh em Hồi giáo hoặc phó tổng thống của chính phủ cũ. Đây đều là hai lựa chọn tồi, và các cử tri buộc phải bỏ phiếu cho một lựa chọn ít tồi hơn. Việc đưa Morsi lên làm tổng thống dù sao vẫn tốt hơn chuyện tái lập hình ảnh cũ bằng cách bỏ phiếu cho người của ông Hosni Mubarak.
Vấn đề là sau khi đắc cử, tổng thống Morsi, vốn không có nhiều kinh nghiệm trong việc quản lý đất nước, hầu như chỉ tập trung vào các hoạt động xã hội mà quên đi nhiệm vụ quan trọng là củng cố chính quyền và đưa nền kinh tế, vốn kiệt quệ sau sự kiện Mùa xuân Arab, tái khởi sắc.
Về mặt đối nội, cá nhân tôi cho rằng cựu tổng thống Morsi đã phạm phải ba sai lầm cơ bản. Thứ nhất là việc đưa các thành phần thân tín vào bộ máy nội các, dẫn tới sự bất mãn trong lòng dân chúng và một số quan chức của chính phủ cũ. Sai lầm thứ hai là chuyện lập Hiến pháp với với việc tập trung quá nhiều quyền lực vào tay tổng thống. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn tới sai lầm cuối cùng, đó là thay vì cải thiện nền kinh tế đang tụt dốc, ông Morsi hầu như chỉ quan tâm tới việc củng cố vị thế của bản thân. Du lịch là trụ cột của nền kinh tế Ai Cập, vậy mà trong thời điểm Morsi lên nắm quyền, lượng khách du lịch tới nước này trong năm 2012 giảm chỉ còn 11 triệu người, so với gần 15 triệu trong hai năm trước đó. Tình hình kinh doanh dầu lửa ở Ai Cập đồng thời cũng sụt giảm nghiêm trọng.
Về mặt đối ngoại, chính quyền của cựu tổng thống Morsi hầu như chỉ tập trung vào mối quan hệ với một số ít các đất nước Hồi giáo láng giềng, như Iran, Quatar. Điều này đã đẩy Cairo tới thế bị cô lập giữa hàng loạt các quốc gia thế tục khác trong khu vực.
Trong khi đó, phương Tây, mà đặc biệt là Mỹ, lại bị bất ngờ trước kết quả cuộc cuộc bầu cử hồi năm 2012, và mắc kẹt giữa hai lựa chọn là lật đổ hay thay đổi chính quyền mới. Còn về gói cứu trợ 1,3 tỷ USD của Washington, số tiền này nhìn thì nhiều, nhưng so với tình hình kinh tế hiện tại của Ai Cập, lại chẳng khác nào muối bỏ bể.
- Tranh chấp giữa tổ chức Anh em Hồi giáo và lực lượng quân đội Ai Cập thực chất xuất hiện từ thời điểm nào?
- Bất đồng giữa các nhóm người Hồi giáo và lực lượng quân đội ở Ai Cập đã tồn tại suốt bề dày lịch sử, nhưng chỉ tới khi Anh em Hồi giáo, vốn là một tổ chức xã hội, bước chân vào chính trường, bằng việc đưa ông Morsi lên nắm quyền, thì tranh chấp ấy mới thực sự trở nên gay gắt.
Ai Cập là một trong những quốc gia thế tục nhất khu vực Bắc Phi - Trung Đông, và việc chính quyền của ông Morsi quá nêu cao tinh thần Hồi giáo khiến người dân đặc biệt lo sợ.
- Ai Cập là nước nắm quyền kiểm soát kênh đào Suez, lại cùng với Jordan ký kết hiệp định hòa bình với Israel và được coi như hòn đá tảng trong tiến trình hòa bình ở Bắc Phi - Trung Đông. Vậy thì cuộc khủng hoảng chính trị ở Ai Cập có ảnh hưởng như thế nào tới các quốc gia trong khu vực và thế giới?
- Có thể ví Ai Cập như một vùng đệm, giữ nhiệm vụ điều tiết không khí tại Bắc Phi - Trung Đông. Lật lại lịch sử, đây là quốc gia đi đầu trong việc tháo gỡ căng thẳng giữa thế giới Arab và nhà nước Do Thái Israel, thông qua một hiệp ước hòa bình được ký hồi tháng 3/1979.
Do đó, cuộc khủng hoảng chính trị hiện tại ở Ai Cập sẽ dẫn tới tình trạng hỗn loạn ở khu vực và gây ra những chia rẽ trong Liên đoàn Arab, giữa một bên là các quốc gia thế tục như Arab Saudi, nước đang hỗ trợ tài chính và vũ khí cho lực lượng quân đội, bên kia là các quốc gia và tổ chức Hồi giáo như Iran, Quatar và thậm chí là cả Hezbollah, với tuyên bố ủng hộ Anh em Hồi giáo.
Bất ổn ở Ai Cập cũng buộc Hội đồng Bảo an, hôm 15/8, phải đưa ra một dự thảo nghị quyết, nhằm lên án hành động đàn áp đẫm máu mà chính phủ nước này tiến hành. Quyết định này khiến nhiều người đặt câu hỏi, rằng liệu Hội đồng Bảo an có đưa ra một nghị quyết tương tự Nghị quyết 1973 về Lybia, trong đó thiết lập vùng cấm bay và cho phép sử dụng vũ lực với chính phủ, hay không.
Dù thống nhất về ý kiến, nhưng do chưa thể tìm ra một giải pháp cụ thể nào để đối phó với tình trạng này, nên trong tương lai, Ai Cập sẽ còn khiến Hội đồng Bảo an phải đau đầu.
- Tranh chấp giữa các phe phái đã khiến Syria chìm trong nội chiến gần hai năm nay. Nguy cơ nội chiến đối với Ai Cập ở mức nào?
- Hiện nay có nhiều ý kiến cho rằng khủng hoảng chính trị ở Ai Cập sẽ nhanh chóng biến thành một cuộc nội chiến. Nhưng theo tôi, khả năng này là không cao, bởi ba lý do.
Thứ nhất, người dân ở một quốc gia thế tục như Ai Cập không dễ bị kích động. Họ sẽ chọn một cuộc sống yên bình, thay vì lao vào trận chiến vô ích, bất phân thắng bại.
Về phía quân đội và chính phủ lâm thời, mặc dù từng sử dụng những biện pháp đàn áp đẫm máu, nhưng trước áp lực quốc tế và sức ép từ phía người dân, họ sẽ phải xuống thang trước khi đẩy Ai Cập tới bên miệng hố chiến tranh.
Thứ ba, xét trên phương diện quốc tế, vấn đề ở Ai Cập không bị biến thành đối tượng của các cuộc tranh luận căng thẳng giữa những nước lớn như trường hợp của Syria. Washington và Moscow từng gặp những bất đồng sâu sắc trong cách chấm dứt nội chiến ở Syria, còn với Ai Cập, các cường quốc đều có một sự đồng thuận về việc giải quyết khủng hoảng, bằng cách buộc các bên đối đầu, bao gồm chính phủ lâm thời và tổ chức Anh em Hồi giáo, phải xuống thang để thiết lập hòa bình.
Quỳnh Hoa thực hiện