Giá đường xuất xưởng sẽ dao động ở mức 4.800-5.500 đồng/kg. |
Thời gian qua, người dân và nhà buôn đều lo ngại khi đường tăng lên mức 5.000 đồng/kg là lập tức đường lậu nhảy vào.
"Đó chỉ là chuyện của những năm trước khi lượng đường tại một số khu vực giáp Việt Nam khá dồi dào. Còn nay, sản lượng đường của những nước này cũng thiếu trầm trọng", ông Tam nói và cho rằng chỉ khi nào đường xuất xưởng vượt mức bình quân 5.500 đồng/kg thì mới lo đường lậu.
Ngoài ra, để giải đáp câu hỏi về đường nhập lậu, vừa qua, hiệp hội đã cử người đến các nước như Thái Lan, Trung Quốc, Lào, Campuchia... để tìm hiểu tình hình. Kết quả, chỉ phát hiện một số cửa khẩu có tích trữ khoảng vài ba tấn đường. "Số lượng quá ít ỏi này không thể coi là đường lậu tràn vào được", ông Tam khẳng định.
Do thời tiết khắc nghiệt, hạn hán và diện tích giảm, sản lượng đường của nhiều nước như: Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc... những tháng gần đây giảm mạnh. Cụ thể, sản lượng mía đường của Ấn Độ mới chỉ đạt trên 8,5 triệu tấn (giảm trên 600.000 tấn so với cùng kỳ liên vụ trước). Riêng khu vực Đông Bắc Thái Lan, nơi đóng góp 40% sản lượng mía của nước này có thể sẽ giảm khoảng 20% sản lượng mía. Do vậy, ông Tam dự báo, rất có khả năng đường Việt Nam sẽ xuất khẩu trở lại các nước này.
Để bình ổn giá thị trường trong thời gian tới, hiệp hội đã gửi kiến nghị đến Cục quản lý thị trường (Bộ Thương mại) để thắt việc quản lý đối với các đại lý, tránh hiện tượng đầu cơ, găm hàng để đẩy giá lên cao. Đồng thời, hiệp hội cũng khuyến cáo các nhà máy khống chế số lượng để tránh tình trạng bán hàng ồ ạt, dẫn đến cuối vụ sẽ thiếu đường và phải nhập khẩu.
Trao đổi với VnExpress, ông Tam thừa nhận, thời gian qua đã xảy ra một số tranh chấp giữa các doanh nghiệp về việc thu mía, do nguyên liệu đang khan hiếm. "Việc này đã được Hiệp hội và các cơ quan chức năng phối hợp xử lý kịp thời", ông Tam nói.
Ngoài ra, hiệp hội cũng có buổi gặp gỡ các doanh nghiệp trong ngành và đã đi đến một thỏa thuận: Các đơn vị sản xuất phải chủ động thu mua hết mía cho người dân với giá 200.000-220.000 đồng/tấn (tại ruộng) và 250.000-270.000 đồng/tấn tại nhà. Đồng thời, các doanh nghiệp không được lấn sân các đơn vị bạn trong quá trình thu mua mía nhằm hạn chế tranh chấp.
"Các doanh nghiệp đang khốn đốn về đủ thứ nào là nguyên liệu, cước vận chuyển... tăng giá, do đó, giá đường tại thời điểm này cũng chỉ phản ánh đúng chi phí mà các doanh nghiệp phải gánh chịu mà thôi", ông Tam cho biết thêm.
Hồng Anh