![]() |
Giá thép lại đè lên vai các doanh nghiệp xây dựng. Ảnh: Anh Tuấn. |
Đó là nội dung công văn kiến nghị của Bộ Tài chính do Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Tuấn vừa ký gửi Thủ tướng Chính phủ về giải pháp cấp bách để ổn định thị trường thép trong nước.
Cũng theo ông Tuấn, biện pháp trên cần được áp dụng trong trường hợp giá thép trên thị trường trong nước thời gian tới không giảm. Để làm được điều này, Bộ Tài chính cho rằng, Bộ Công nghiệp cần phải có những giải pháp quyết liệt chỉ đạo củng cố mạng lưới bán thép theo hướng: tăng tỷ lệ bán trực tiếp cho các hộ sử dụng và mở rộng hệ thống chi nhánh, cửa hàng của những đơn vị sản xuất; yêu cầu các mạng lưới này phải bán đúng giá do nhà máy quy định và hưởng tỷ lệ hoa hồng đại lý phù hợp. Bên cạnh đó, Bộ Công nghiệp cần phối hợp với Hiệp hội Thép Việt Nam tăng cường thanh, kiểm tra không để xảy ra tình trạng đầu cơ tăng giá bán thép.
Hiện nay, thép trong nước đang ồ ạt tăng giá. Cụ thể giá thép tròn xây dựng 6-8mm (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng), trước thời điểm công bố quyết định nâng thuế nhập khẩu của Bộ Tài chính dao động 6.600 - 7.500 đồng/kg thép cây. Sau khi thuế nhập khẩu phôi được nâng từ 0% lên 5% và 10% (tương ứng với các nước trong và ngoài ASEAN), giá thép trên thị trường trong nước đầu tháng 7 bắt đầu nhích lên: thép cuộn và cây có giá lần lượt là 7.200 đồng/kg và 7.900 đồng/kg.
Trước những động thái của thị trường, Tổng công ty Thép đã có văn bản chỉ đạo các thành viên của mình không tăng giá bán, song trên thực tế mặt hàng này trong nước vẫn tăng (5,3-9%) do các doanh nghiệp ngoài tổng công ty và các đại lý, cửa hàng bán lẻ nâng giá.
"Nguyên nhân cơ bản của tình hình nói trên là chưa có sự chuyển biến về việc hoàn thiện hệ thông cung ứng thép trên thị trường. Doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa thực sự quản lý được mặt hàng này, tình trạng nhà máy không tăng giá nhưng các cơ sở, đại lý bán lẻ nâng giá vẫn diễn ra phổ biến. Chính điều này đã dẫn đến tình trạng giá thép của các công ty nhà nước tăng theo", ông Tuấn nói.
Bộ Tài chính cũng dự báo, nhu cầu phôi và thép phế trên thị trường thế giới có dấu hiệu phục hồi, đặc biệt là Trung Quốc, việc mua phôi của Iran đang tăng mạnh; lượng tồn kho của các nước trong khu vực đã cạn. Chính vì vậy, thời gian tới, giá phôi thép sẽ tiếp tục tăng nhẹ và có khả năng ổn định ở mức cao (giá chào phôi thép Viễn Đông vào Việt Nam tuần thứ 2 của tháng 7 là 370-380 USD/tấn, tăng 10 USD/tấn so với đầu tháng).
Ngay sau động thái trên của Bộ Tài chính, Bộ Công nghiệp cũng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy chế điều hành thị trường thép xây dựng. Theo đó Nhà nước sẽ thành lập quỹ dự trữ phôi thép quốc gia để điều tiết thị trường thép trong nước. Quỹ dự trữ phôi thép cần khoảng 3.000 tỷ đồng để dự trữ 400.000 tấn phôi, đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu thụ thép trong 3 tháng.
Theo đề xuất của Bộ Công nghiệp, Tổng Công ty Thép Việt Nam sẽ được giao quản lý kho dự trữ phôi. Doanh nghiệp này sẽ được vay vốn ưu đãi để nhập hàng. Do trong nước phụ thuộc vào phôi nhập khẩu nên giá phôi thế giới tăng khiến doanh nghiệp trong nước nâng giá bán thép. Trong trường hợp có quỹ dự trữ phôi, Tổng Công ty Thép sẽ bán phôi với giá thấp hơn giá mua nhằm bình ổn thị trường và Nhà nước chỉ bù lỗ trong trường hợp ấy.
Trong đề án trên, Bộ Công nghiệp cũng báo cáo Chính phủ phương án tổ chức, sắp xếp hệ thống phân phối, kinh doanh thép. Điểm mới của phương án này là yêu cầu các đại lý, cửa hàng phải niêm yết công khai, minh bạch chất lượng và giá bán sản phẩm, đồng thời quy định rõ trách nhiệm của các doanh nghiệp cung ứng, bán buôn và bán lẻ trong hệ thống phân phối. Ngay sau khi ban hành giá bán mới phải có thông báo về giá bán gửi đến Sở Thương mại, Sở Tài chính và các đơn vị trong hệ thống phân phối của doanh nghiệp. Bộ khuyến khích phát triển mạng lưới đại lý cấp III (bán lẻ đến tay người tiêu dùng) với lý do quy mô các nhà phân phối thép của Việt Nam nhỏ sẽ không đủ để thao túng thị trường, tránh tình trạng liên kết găm hàng để tăng giá.
Bản quy chế còn đề cập đến khả năng Nhà nước sẽ áp dụng giá trần trở lại nếu thấy cần thiết. Biện pháp này đã bỏ cách đây 2 năm, nhưng trong bối cảnh hiện nay nó là giải pháp hạ giá thép hữu hiệu nhất sau thuế.
Trả lời báo chí về việc giá thép tái sốt sau khi có quyết định nâng thuế nhập khẩu của Bộ Tài chính, Thứ trưởng Công nghiệp Nguyễn Hữu Hào cho biết, bộ này đang theo dõi diễn biến giá từng ngày và chỉ đạo cho công ty Thép Thái Nguyên, thép miền Nam sản xuất hết công suất để phục vụ thị trường vì hai doanh nghiệp này có giá bán ổn định nhất hiện nay. Ông Hào cho biết, hiện nay thép tồn kho của toàn ngành vào khoảng 255.000 tấn, lượng phôi tồn kho 280.000 tấn, phôi sản xuất trong 6 tháng tới khoảng 425.000 tấn. Như vậy, nếu nhập khẩu khoảng trên 400.000 tấn nữa sẽ đủ đáp ứng cho nhu cầu xây dựng của cả nước. Ông Hào dự báo khả năng đột biến giá sẽ không kéo dài vì đây là thời điểm sắp bước vào mùa mưa, áp lực thép sử dụng cho các công trình xây dựng giảm mạnh. "Nếu các doanh nghiệp lên giá quá nhiều sẽ không bán được và tồn đọng với số lượng lớn", ông Hào khuyến cáo.
Ngọc Quang - Phong Lan