Chiều 17/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo kế hoạch, đề cương giám sát về quản lý thị trường bất động sản, phát triển nhà ở xã hội 2015-2023. Đây là một trong những chuyên đề giám sát của Quốc hội năm 2024 .
Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết đoàn này sẽ thực hiện giám sát trực tiếp về quản lý thị trường bất động sản, nhà ở xã hội tại 8 bộ, gồm: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên & Môi trường, Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước.
Cùng đó, 12 địa phương, gồm Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Bình Dương, Bình Thuận, Đồng Nai, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hưng Yên cũng trong diện giám sát lần này.
"Đoàn giám sát có thể điều chỉnh kế hoạch và yêu cầu các cơ quan báo cáo bổ sung nội dung ngoài đề cương để làm rõ các nội dung trong quá trình giám sát", ông Mẫn thông tin.
Thị trường bất động sản, nhất là một số dự án lớn sau thời gian đóng băng, gần đây đã "nhúc nhích" khởi động sau sự vào cuộc gỡ khó của Chính phủ, bộ ngành và địa phương. Tuy vậy, thị trường này vẫn chưa thực sự "tan băng".
Theo số liệu của Bộ Xây dựng, quý II chỉ có 7 dự án bất động sản, nhà ở hoàn thành với hơn 2.420 căn, giảm một nửa so với quý I và chỉ bằng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Việc triển khai các dự án bị chậm hoặc dừng do gặp khó khăn về pháp lý, vốn.
Góp ý kế hoạch giám sát, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng đoàn giám sát nên nghiên cứu kỹ các báo cáo tổng kết thi hành Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các báo cáo thẩm tra của Bộ Tư pháp. Việc này nhằm thấy rõ vướng mắc hiện nay của thị trường bất động sản là pháp lý, quy hoạch, kế hoạch hay vốn, cung - cầu, tránh "bơi trong một rừng số liệu, trong khi thời gian có hạn".
Ông dẫn chứng việc phát triển nhà ở xã hội, có đề nghị nên xác định làm loại nhà ở này chỉ nên cho thuê trả dần, hoặc mua trả góp sẽ tránh được hiện tượng mua đi bán lại, chuyển nhượng. "Còn nếu vẫn mua đứt bán đoạn thì đây là phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ, chứ không phải nhà ở xã hội. Hiện, ranh giới này không rõ nên thực tế xuất hiện tình trạng trục lợi chính sách", ông nói.
Mặt khác, kế hoạch, đề cương giám sát bất động sản phải xác định rõ vấn đề then chốt của thị trường nhà ở, gắn với đất đai cần giải quyết là gì để đề xuất giải pháp khắc phục căn cơ. "Mục tiêu của chúng ta không phải là có sở hữu nhà, mà giải quyết có nơi ở và chỗ ở", ông lưu ý.
Trong khi đó Phó chủ tịch Nguyễn Khắc Định đặt vấn đề, kế hoạch giám sát chỉ nêu 8 bộ, ngành, tức còn thiếu một số cơ quan khác nhưng chưa có giải thích. Theo ông, hiện nhiều bộ cũng làm nhà ở xã hội, nếu không tổ chức giám sát tại các đơn vị này thì cần nêu rõ nguyên nhân vì sao.
Bên cạnh đó, đối tượng giám sát lần này không có HĐND, ông Định nói "là không ổn" do họ là nơi thông qua kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất, các dự án.
Giải trình sau đó, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế kiêm Phó trưởng đoàn giám sát, cho hay trong quá trình cùng Ủy ban Pháp luật rà soát, đưa ra đề cương, thấy rằng HĐND và Đoàn đại biểu Quốc hội cũng giám sát từ báo cáo của UBND, Thường vụ. Ông cho hay sẽ bổ sung yêu cầu HĐND báo cáo để "càng nhìn nhiều góc độ càng phát hiện ra vấn đề".
Ông Thanh nói thêm, ngoài 8 cơ quan sẽ giám sát trực tiếp, còn Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao sẽ gửi báo cáo do "có liên quan tới những vụ việc phức tạp". Đoàn giám sát sẽ nghiên cứu, bổ sung thêm việc giám sát tại Bộ Lao động, Thương binh và xã hội về nhà ở xã hội.
Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Văn Sinh bổ sung, Bộ này sẽ rà soát, báo cáo về một số nội dung không thuộc phạm vi giám sát. Chẳng hạn, nhóm chính sách liên quan đến phát triển nhà ở xã hội, có những nội dung thuộc chương trình mục tiêu quốc gia nên đưa ra, không lồng ghép vào chính sách về nhà ở xã hội.