Thông tin trên được bà Đỗ Thị Phong Lan, Phó vụ trưởng Tổ chức cán bộ, Bộ Xây dựng cho biết tại họp báo thường kỳ quý IV, chiều 27/12.
Theo kế hoạch định hướng, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ, hai Bộ Xây dựng và Giao thông vận tải sẽ hợp nhất. Bộ Xây dựng được thành lập từ năm 1958, còn Bộ Giao thông Vận tải cũng đã hình thành gần 80 năm.
Bà Lan cho hay dự thảo Đề án hợp nhất hai bộ đã cơ bản hoàn thành với tên gọi sau hợp nhất dự kiến là "Bộ Xây dựng và Giao thông". Số đầu mối thuộc cơ cấu của 2 bộ có thể giảm 35-41%, còn 25-27 đơn vị. Trong đó, khối tham mưu tổng hợp gồm 6 đơn vị, khối chuyên ngành 14-16; khối sự nghiệp công lập 5 đơn vị. Trước đó Bộ Xây dựng có 19 đơn vị, Bộ Giao thông Vận tải có 23 đơn vị.
Cùng đó, nhiều địa phương cũng đang xây dựng Đề án hợp nhất Sở Xây dựng và Sở Giao thông Vận tải với tinh thần "vừa chạy vừa xếp hàng, Trung ương không chờ cấp tỉnh, cấp tỉnh không chờ cấp huyện, cấp huyện không chờ cơ sở".
Theo Bộ Xây dựng, nhiệm vụ tinh gọn bộ máy là công việc hệ trọng, đòi hỏi thống nhất rất cao. Trong đó, Đề án hợp nhất hai bộ Xây dựng và Giao thông Vận tải được thực hiện với 2 yêu cầu lớn. Thứ nhất, Bộ Xây dựng rà soát, đánh giá tổ chức bộ máy bên trong để lên phương án tiếp tục tinh gọn. Ngoài ra, việc đánh giá chức năng, nhiệm vụ để sắp xếp sẽ không phân biệt "bên anh - bên tôi" giữa hai bộ. Qua đó, hai bên sẽ đề xuất phương án đột phá để giải thể, hợp nhất, hoặc tổ chức lại các đơn vị.
"Sau sắp xếp, bộ máy phải tốt hơn trước đây, không chồng chéo, ách tắc hay gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp", Bộ Xây dựng cho biết.
Bà Lan cho biết thêm, Bộ Xây dựng vẫn giữ cơ cấu tinh gọn khi không thành lập cấp Tổng cục hay Vụ Thi đua - Khen thưởng, Cục Quản trị... Cơ cấu Bộ đến nay giảm 28% số lượng phòng trong các đơn vị hành chính và giảm 14% tổng số đầu mối tại các đơn vị sự nghiệp. Hiện Bộ có khoảng 3.500 người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước và 380 người hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp.
Bộ cũng đã bàn giao nguyên trạng 18 đơn vị về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Đại học Quốc gia Hà Nội và địa phương quản lý; hoàn thành sáp nhập Viện Quy hoạch xây dựng miền Nam vào Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia.
Liên quan đến các doanh nghiệp trực thuộc, Bộ đã chuyển giao về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) 5 doanh nghiệp, thoái hết vốn nhà nước tại 5 doanh nghiệp. Đến nay, Bộ chỉ còn đại diện chủ sở hữu tại 6 đơn vị, tương đương 62,5% tổng số doanh nghiệp nhà nước trực thuộc trước đó.
Việc sáp nhập, hợp nhất sẽ giúp các bộ ngành tinh gọn bộ máy tổ chức, giảm số đầu mối, đơn vị. Theo kế hoạch, Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Tài chính hợp nhất với số đầu mối dự kiến giảm từ 56 xuống 34 và nhận thêm một đầu mối là Bảo hiểm xã hội.
Tương tự, dự kiến sau khi hợp nhất Bộ Tài nguyên và Môi trường với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, số đầu mối sẽ giảm từ 55 xuống còn 30.
Ngọc Diễm