Theo báo cáo của Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn), Ban quản lý Quỹ Tài chính carbon chuyển đổi (TCAF) duyệt khoản chi 33,3 triệu USD, có thể tăng lên đến 40 triệu USD (tương đương 826-992 tỷ đồng), để hỗ trợ Việt Nam thực hiện Đề án phát triển 1 triệu ha lúa.
Khoản tiền này sẽ được dành để chi trả tiền tín chỉ carbon cho nông dân trồng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long thuộc Đề án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Đề án này được hỗ trợ bởi TCAF và Ngân hàng Thế giới (WB).
Thứ trưởng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, các mô hình thí điểm trên diện tích 300 ha ở 5 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long đã cho kết quả khả quan, khi chi phí giảm, giá lúa tăng và thu nhập nông dân cải thiện. Doanh nghiệp cam kết thu mua lúa với giá cao hơn thị trường. Đến 2025, diện tích lúa giảm phát thải sẽ mở rộng lên 200.000 ha, giúp nâng cao giá trị gạo Việt Nam và bảo vệ môi trường.
Bộ đang phối hợp với WB và các cơ quan để đo đạc, xác nhận tín chỉ carbon từ sản xuất lúa, hướng tới bán tín chỉ cho các tổ chức quốc tế. WB và TCAF cam kết hỗ trợ Việt Nam đạt mục tiêu giảm phát thải ròng về 0 vào 2050.
Tín chỉ carbon (carbon credit) là chứng nhận phát thải khí carbon dioxide (CO2) hoặc khí nhà kính khác được quy đổi tương đương sang CO2 (CO2tđ). Một tấn CO2tđ được xem là 1 tín chỉ carbon. CO2tđ là đơn vị mua bán trên thị trường carbon hay thị trường tín chỉ carbon.
Tín chỉ carbon lúa thu được từ canh tác lúa giảm phát thải bằng cách không đốt rơm, sử dụng phân bón sinh học, giảm khí metan. Các nông dân phải tuân thủ quy trình báo cáo đánh giá tín chỉ carbon để tham gia thị trường này, giúp họ giảm chi phí và tăng thu nhập.
Hiện có 36 quốc gia tham gia thị trường tín chỉ carbon. Việt Nam đã bán 10,3 triệu tấn CO2 cho WB, thu về gần 1.250 tỷ đồng. Với 1 triệu ha lúa, giá trị tín chỉ carbon có thể đạt 100 triệu USD mỗi năm nếu bán được với giá 10 USD mỗi tín chỉ.
Thi Hà