"Make in Viet Nam là hành động, không phải niềm tin" được Bộ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh nhiều lần trong bài phát biểu khép lại sự kiện Diễn đàn phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam 2020.
Ông cho biết, lịch trình làm việc ngày 23/12 với diễn đàn dự định kết thúc vào buổi sáng, nhưng sau giờ nghỉ trưa, Bộ trưởng thay đổi suy nghĩ và cho rằng "buổi chiều mới có nhiều điều thú vị để nghe". Ông quyết định ngồi lại đến tận 18h giờ, chăm chú lắng nghe phần tham luận của 9 đại diện doanh nghiệp công nghệ về hàng loạt vấn đề mà họ số gặp phải từ an ninh mạng, chất lượng sản phẩm, cởi trói chính sách và thu hút nguồn vốn đầu tư.
Nếu như phiên buổi sáng, các doanh nghiệp tập trung kể câu chuyện sáng tạo thành công các sản phẩm Make in Viet Nam ra sao, thì 2 phiên buổi chiều tập trung nêu bật hàng loạt vấn đề các doanh nghiệp phải đối mặt, đồng thời đưa ra các kiến nghị để giải quyết.
Kiến tạo một hệ sinh thái công nghệ số để cùng phát triển
Tham gia phiên thảo luận bằng phần trình bày với chủ đề "Hệ sinh thái doanh nghiệp số, chung tay phát huy nội lực đất nước", ông Nguyễn Xuân Hoàng - Phó chủ tịch công ty MISA chia sẻ thông tin chung nhất về tầm quan trọng của việc liên kết giữa các doanh nghiệp công nghệ. Ông cho biết, Việt Nam có khoảng 800.000 doanh nghiệp, nhu cầu chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả hoạt động vô cùng lớn. Tuy nhiên mỗi công ty công nghệ chỉ sở hữu một hoặc 2 thế mạnh, và không thể cung cấp dịch vụ toàn diện cho một khách hàng.
"Để giải quyết vấn đề này, doanh nghiệp cung cấp dich vụ, doanh nghiệp sản xuất phần mềm, dịch vụ đào tạo... có thể tham gia vào một hệ sinh thái số để mang đến giải pháp toàn diện cho khách hàng. Tham gia hệ sinh thái sẽ giúp tạo ra giá trị chung cho cộng đồng", đại diện MISA nói.
![Ông Nguyễn Xuân Hoàng - Phó chủ tịch công ty MISA.](https://vcdn1-kinhdoanh.vnecdn.net/2021/01/04/MISA-1555-1608710572-7792-1609732114.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=VTLRmI7WM537_kuKcjZsdA)
Ông Nguyễn Xuân Hoàng - Phó chủ tịch công ty MISA.
Cùng chung quan điểm với đại diện MISA, ông Ngô Diên Hy, Tổng giám đốc VNPT IT cho rằng, để hiện thực hóa mục tiệu phát triển 100.000 doanh nghiệp số đến năm 2030 Việt Nam cần phải giải quyết khoảng 10.000 vấn đề. Trong khi đó, không gian cho doanh nghiệp số phát triển không nhiều vì vậy ông kiến nghị phải có một cơ chế cụ thể hơn cho nhóm đối tượng này. Đồng thời các đơn vị lớn, với tiềm lực và vị thế tiên phong nên có ngân sách để nghiên cứu, thử nghiệm những mô hình hợp tác mới.
Sự cấp thiết của việc phải hình thành một hệ sinh thái công nghệ số được nhấn mạnh hơn thông qua phần trình bày của ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng đối ngoại Samsung Việt Nam. Ông cho biết, từ năm 2008, khi đầu tư vào Việt Nam, lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, trình độ công nghệ và tiếp cận vốn trong nước còn hạn chế. Do đó Samsung phải thường xuyên tổ chức những chương trình hỗ trợ, tư vấn cho doanh nghiệp nội địa, tự thiết lập một mạng lưới cung ứng của riêng mình để phát triển công nghệ. Nhằm thực hiện chiến lược phát triển, Samsung đã trực tiếp đầu tư nghiên cứu các công nghệ trí tuệ nhân tạo, sinh trắc học, trợ lý ảo và hợp tác với các trường đại học tại Việt Nam như Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia.
Quy hoạch không gian số
Một trong những vấn đề được các diễn giả phân tích và trình bày là thực trạng an ninh mạng và quy hoạch không gian số tại Việt Nam, trong bối cảnh công nghệ được chọn làm chìa khóa cho sự phát triển bứt tốc của đất nước.
Ông Hà Thế Phương, Phó tổng giám đốc Công ty An ninh An toàn thông tin CMC đã chỉ ra 4 lý do khiến việc tấn công mạng trở nên phổ biến với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trước hết là dễ thực hiện, nhất là khi các doanh nghiệp mới thành lập không đầu tư nhiều về đảm bảo an toàn thông tin. Thứ hai, các hacker muốn sử dụng dữ liệu và tài nguyên từ các SMEs có thông tin, công nghệ mới để phục vụ mục đích. Thứ ba là cạnh tranh không lành mạnh, khi doanh nghiệp muốn triệt hạ, gián đoạn dịch vụ đối thủ. Cuối cùng là mục đích tấn công vào chuỗi cung ứng từ các hacker. "Việt Nam đứng thứ 46 về chuyển đổi kỹ thuật số nhanh, điều này kéo theo vấn đề an ninh thông tin", chuyên gia nhấn mạnh.
![Ông Hà Thế Phương, Phó tổng giám đốc Công ty An ninh An toàn thông tin CMC.](https://vcdn1-kinhdoanh.vnecdn.net/2021/01/04/CMC-4053-1608711152-3349-1609732115.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=lObd7PeR-vRm66hg7bZTPg)
Ông Hà Thế Phương, Phó tổng giám đốc Công ty An ninh An toàn thông tin CMC.
Đồng quan điểm về việc quy hoạch không gian số, ông Lê Công Thành - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ chọn lọc thông tin (InfoRe) nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quản lý dữ liệu số. Theo ông, cách mạng công nghệ bùng nổ, thông tin chiếm một vai trò quan trọng đối với sự phát triển của các quốc gia và được ví như một loại dầu mới. "Nhân loại đang cạnh tranh về thông tin và dữ liệu" đại diện InfoRe cho hay.
Để quản lý các không gian số, theo ông cần phải tạo ra các bản đồ số của mỗi quốc gia. Hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có bản đồ số của riêng mình tuy nhiên có thể tận dụng sức mạnh của các công ty khởi nghiệp để thực hiện điều này. Nếu dữ liệu được coi là một loại "dầu" mới cho sự phát triển, startup có thể là một mũi khoan thăm dò để tìm ra các nguồn dữ liệu mới cho dữ liệu Việt Nam.
Nguồn vốn và chính sách phát triển doanh nghiệp công nghệ số
Để hướng tới sự phát triển cho doanh nghiệp Việt Nam, vấn đề nguồn vốn và chính sách được nhắc đến nhiều lần trong nửa cuối phiên buổi chiều của diễn đàn.
Ông Hoàng Đức Trung - Giám đốc quỹ đầu tư Vinacapital cho biết, trong 1.500 công ty khởi nghiệp trong nước, chỉ có 3% là bước đầu thành công. Đó là các công ty có giá trị trên 10 triệu USD, doanh số 2 triệu USD, với hơn 100 nhân viên và có khả năng gọi vốn vòng sau.
![Các doanh nghiệp và chuyên gia tham gia phần toạ đàm.](https://vcdn1-kinhdoanh.vnecdn.net/2021/01/04/Ba-4382-1608717302-5859-1609732115.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=KRtrTHnDbVxqKDqwLnsy9w)
Các doanh nghiệp và chuyên gia tham gia phần toạ đàm.
Theo ông có nhiều lý do dẫn đến kết quả này, một trong số đó là sự phối hợp giữa startup với doanh nghiệp lớn còn yếu. Các founder khó khăn khi trình bày ý tưởng và gọi vốn với các doanh nghiệp lớn. Ông đặc biệt nêu bật vấn đề Việt Nam hiện nay chưa có vốn từ địa phương hay các doanh nhân chưa đầu tư cho công ty trong nước. Để thúc đẩy startup gắn với Make in Viet Nam, đại diện VinaCapita đề xuất hình thành quỹ địa phương để người Việt đầu tư cho người Việt.
![Ông Hoàng Đức Trung - Giám đốc quỹ đầu tư Vinacapital.](https://vcdn1-kinhdoanh.vnecdn.net/2021/01/04/VNCPT-9695-1608714945-6276-1609732116.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=N9r8cttbhv3koMLM0BHwWA)
Ông Hoàng Đức Trung - Giám đốc quỹ đầu tư Vinacapital.
Về mặt chính sách, trong phiên tọa đàm cuối diễn đàn, bà Bùi Thu Thủy đến từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp năm 2020, có nhiều thay đổi lớn, thể hiện tư duy mở. Đặc biệt, doanh nghiệp có thể kinh doanh tất cả ngành nghề, lĩnh vực mà Nhà nước chưa biết, trừ các lĩnh vực cấm theo luật Đầu tư. Trong chính sách hỗ trợ SME, startup, Bộ cũng đang đề xuất mô hình quỹ, khuyến khích đầu tư tư nhân. Đơn cử, Nghị định 38, doanh nghiệp quy mô nhỏ cũng có thể thành lập quỹ đầu tư startup.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng không khép lại diễn đàn bằng lời phát biểu một chiều. Ông dành phần lớn thời lượng của mình cho việc đối thoại và trả lời thắc mắc của một số đại diện doanh nghiệp. Ông ngắt quãng phần chia sẻ nhiều lần để suy nghĩ và khúc triết trả lời các câu hỏi.
Trước vấn đề "cởi trói" chính sách cho các doanh nghiệp số phát triển, Bộ trưởng cho biết, nói đến chuyển đổi số là nói đến chuyện thay đổi vận hành, thay đổi chính sách. Ông nhấn mạnh: "Bộ Thông tin Tuyền thông là một cửa để các doanh nghiệp công nghệ số tìm đến khi gặp khó khăn".
![Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu bế mạc diễn đàn.](https://vcdn1-kinhdoanh.vnecdn.net/2021/01/04/bthung-5990-1608720360-4368-1609732116.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=yeIiktf7UtvTipmvhjXsyA)
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu bế mạc diễn đàn.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, một trong những "nỗi buồn" được nêu bật trong khuôn khổ diễn đàn hôm nay là doanh nghiệp Việt không có một quỹ của Việt Nam cho khởi nghiệp sáng tạo mà đa số là quỹ nước ngoài. Trong khi những quỹ nước ngoài thường có mục đích riêng, tầm nhìn riêng, và mục tiêu có thể không nhắm đến là làm cho Việt Nam phát triển.
Do đó, hiện có một số doanh nghiệp lớn, thành công trên thị trường sẵn sàng vì sự phát triển của đất nước, đồng ý thành lập một quỹ đầu tư và đang tìm một đơn vị uy tín để quản lý. "Nguồn vốn đã có, nhưng đang cân nhắc một công ty quản lý quỹ, nếu thành công, doanh nghiệp Việt sẽ có nguồn vốn Việt", người đứng đầu bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh.
Để khép lại Diễn đàn phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam 2020, Bộ trưởng nói: "Đại hội Đảng Việt Nam lần thứ XIII đã chính thức tuyên bố khát vọng Việt Nam, hùng cường thịnh vượng, là nước phát triển thu nhập cao vào năm 2045. Chúng ta chọn con đường khoa học công nghệ, sáng tạo, chuyển đổi số. Việt Nam sẽ sẵn sàng thay đổi để thúc đẩy nhanh chuyển đổi số quốc gia".
Xem diễn biến chính