Tại hội thảo đào tạo nguồn nhân lực phần mềm cho hợp tác Việt - Nhật. |
Trước thực trạng đó, lần đầu tiên các doanh nghiệp và những người làm giáo dục đã gặp nhau và cùng bàn thảo vì mục đích phát triển nguồn nhân lực phục vụ hợp tác Việt - Nhật trong lĩnh vực phần mềm.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội phần mềm VN, phân tích những bức xúc về nguồn nhân lực trong xuất khẩu phần mềm sang Nhật của các doanh nghiệp: "Mảng kỹ năng của những sinh viên công nghệ thông tin khi ra trường hoàn toàn rỗng. Những kỹ năng đó bao gồm tính kỷ luật, khả năng làm việc nhóm, quản trị đề án, tiếp cận quy trình chất lượng và đặc biệt là trình độ tiếng Nhật và giao tiếp. Điều đó đã khiến các doanh nghiệp đang phải một vai gánh thêm nhiều trách nhiệm rất nặng nề và tốn kém".
Theo ông Bình, hầu hết những nhân viên mới được tuyển tại các công ty phần mềm đều phải dành 30% thời gian của 3 - 4 năm đầu để vừa đào tạo, vừa làm đã khiến năng suất lao động giảm đáng kể. Và việc phải đào tạo lại đó không chỉ gây thiệt hại cho doanh nghiệp mà còn tạo áp lực cho chính nhân viên vì họ rất mệt mỏi và không thể tập trung cao độ cho công việc hoặc chuyện học hành.
Hện nay, hệ thống đại học chỉ có thể cung cấp 5.000 - 6.000 chuyên gia công nghệ thông tin mỗi năm vào làm ngành phần mềm nói chung. Nhưng nếu làm xuất khẩu thì ít hơn nhiều. Trong khi kế hoạch kinh doanh của một doanh nghiệp như Công ty FPT đòi hỏi đến năm 2009 cần 2.000 lập trình viên và năm 2014 là 10.000 - 17.000 người.
"Tôi khẳng định rằng trong một vài năm tới, khi các công ty Nhật Bản triển khai những chương trình ERP của thế giới thì khối lượng công việc làm outsourcing (thuê nhân công giá rẻ nước ngoài) cho Nhật Bản sẽ bùng nổ. Một chuyên gia xứ hoa anh đào đã khẳng định VN phải nắm lấy cơ hội này vì Nhật Bản sẽ không chờ đợi ai", ông Bình cho biết.
Và ý tưởng về một Đại học Nhật Bản được hình thành từ những bức xúc về nguồn nhân lực trong xuất khẩu phần mềm của các doanh nghiệp. "Đó sẽ là hạt nhân để cơ hội Nhật Bản không bị bỏ qua. Đây là sự trông đợi lớn từ doanh nghiệp đối với Bộ Bưu chính Viễn thông và các trường đại học", ông Bình nói.
Phó giáo sư, tiến sĩ Lê Cộng Hoà, Phó hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội, đã đề xuất một dự thảo kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực bậc cao về công nghệ thông tin cho thị trường Việt - Nhật. Theo đó, sẽ có các chương trình dạy tiếng Nhật, đào tạo công nghệ thông tin ở đại học và cao học, bồi dưỡng cho giáo viên dạy công nghệ thông tin, đào tạo nhân lực công nghệ thông tin theo chiến lược ngắn hạn, các chương trình học tập, thực tập thực tế theo nhiều hình thức tại các công ty theo nguyện vọng.
Khoá đào tạo này sẽ đảm bảo về trình độ của những người làm phần mềm nắm vững và đáp ứng chuẩn kỹ năng CNTT trước hết là của Nhật Bản, có năng lực tiếng Nhật đủ để làm việc độc lập tại Nhật và các công ty liên quan đến Nhật cũng như có kiến thức cơ bản về kinh doanh của thị trường Nhật và văn hoá nước này. Nguồn kinh phí dự kiến phía Nhật sẽ tài trợ những chương trình học tiếng và văn hoá Nhật, các phần đào tạo khác sẽ do chính phủ hai nước lo. Việt Nam sẽ thảo luận việc vay vốn ODA của nước đối tác.
Tuy nhiên, TS. Hoà cũng bày tỏ quan điểm: "Chúng tôi không thể cung cấp những "sản phẩm" hoàn thiện cho các doanh nghiệp được mà chỉ có thể là những "dạng phôi" chất lượng thôi và chính các đơn vị tiếp nhận sẽ phải gọt giũa thêm cho phù hợp với mình. Tôi cho rằng khả năng thích ứng của sinh viên trường Bách khoa rất tốt. Chỉ cần có định hướng và đào tạo trong vòng 3-4 tháng là họ có thể làm việc hiệu quả".
Ông Hoà cũng băn khoăn về "đầu ra" cho những người theo đuổi chương trình đào tạo này. "Chúng ta sẽ đảm bảo như thế nào về tương lai của các sinh viên tốt nghiệp. Chúng tôi muốn rằng chính phủ và các doanh nghiệp cần có kế hoạch cụ thể và khẳng định sự bảo trợ về công ăn việc làm cho họ sau khoá học".
Theo ông Hoà, trường Bách Khoa rất quyết tâm trong vấn đề đào tạo nguồn nhân lực. Tuy nhiên vấn đề về vốn và những chi phí cho việc xây dựng cho dự án cần được hỗ trợ và khẳng định từ phía nhà nước.
TS. Mai Liêm Trực, Thứ trưởng thường trực Bưu chính Viễn thông, khẳng định Việt Nam sẽ bằng mọi cách để không bỏ qua cơ hội hợp tác với người Nhật. Tuy nhiên, làm thế nào và bằng cách nào thì cả nhà nước, doanh nghiệp và các trường đại học sẽ tiếp tục bàn bạc.
Nguyễn Hằng