Thông tin được đề cập trong báo cáo của UBND tỉnh Bình Thuận gửi Văn phòng Chính phủ về các công trình trọng điểm của địa phương.
Dự án sân bay Phan Thiết ban đầu được quy hoạch cấp 4C, đường cất hạ cánh dài 2.400 m, công suất khai thác 500.000 hành khách mỗi năm. Tháng 9/2016, UBND tỉnh Bình Thuận đã ký hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) với Công ty cổ phần Rạng Đông đầu tư hạng mục hàng không dân dụng.
Đến năm 2018, quy hoạch sân bay Phan Thiết được Bộ Giao thông Vận tải điều chỉnh thành cảng hàng không quốc nội cấp 4E, đường cất hạ cánh dài 3.050 m, nhà ga hành khách có công suất thiết kế hai triệu hành khách mỗi năm.
Do quy mô và tổng mức tư đều thay đổi nên nhiều điểm trong hợp đồng BOT không còn phù hợp. Hôm 6/6, UBND tỉnh Bình Thuận đã có công văn đề nghị Công ty cổ phần Rạng Đông chấm dứt hợp đồng dự án trước thời hạn. Sau khi hai bên thống nhất, tỉnh sẽ ký văn bản thỏa thuận về điều kiện kết thúc hợp đồng BOT.
Theo lộ trình, địa phương sẽ tìm nhà đầu tư mới có đủ năng lực thực hiện hạng mục dân dụng thay thế Công ty cổ phần Rạng Đông.
Sân bay Phan Thiết được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch năm 2009, là sân bay quân sự kết hợp dân sự, rộng 543 ha, xây dựng tại xã Thiện Nghiệp. Bộ Quốc phòng được giao là cơ quan có thẩm quyền đối với hạng mục quân sự, còn hạng mục hàng không dân dụng do UBND tỉnh Bình Thuận làm cơ quan chủ trì.
Công trình được khởi công đầu năm 2015, sau đó tạm dừng. Đến tháng 4/2021, dự án được Bộ Quốc phòng tái khởi động. Quân chủng Phòng không - Không quân đang tập trung thi công các hạng mục đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay... Đến nay hạng mục quân sự đã đạt tiến độ trên 60% khối lượng.
Khải Nguyên