Trong họp báo chiều 30/8, Giám đốc Chi nhánh Công ty xăng dầu quân đội Phan Duy Phúc cho biết, hơn 4.000 tấn xăng A92 chứa aceton của đơn vị này đã được phân phối cho 30 cửa hàng và 3 tổng đại lý tại TP HCM.
Ban đầu, khi chưa biết thành phần xăng có aceton nhưng bị người tiêu dùng khiếu nại về chất lượng, công ty đã tiến hành pha loãng số xăng này theo tỷ lệ 20% và đưa ra thị trường tiêu thụ tiếp. Tuy nhiên, đến ngày 16/8, khi đã có kết luận kiểm định của Trung tâm tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Trung tâm 3) là xăng có chứa aceton, ông Phúc nói, công ty đã cho thu hồi lại. Theo ước tính của Công ty xăng dầu quân đội, lượng xăng aceton đã được tiêu thụ trên thị trường khoảng 2.500 khối (tương đương 2,5 triệu lít).
Theo ông Phan Duy Phúc, Công ty xăng dầu quân đội sẽ hỗ trợ những cửa hàng bán lẻ hút toàn bộ số xăng có pha aceton và nhập vào xăng mới có chất lượng tốt. "Đã có một số người tiêu dùng đến nơi bán xăng khiếu nại thiệt hại. Chúng tôi sẽ giải quyết bồi thường cho các khách hàng sử dụng", ông Phúc khẳng định.
Cả 3 trụ bơm xăng A95 tại cửa hàng Petrolimex ở 70-72 Cách Mạng Tháng 8, quận 3, TP HCM đều ngưng hoạt động để thay xăng mới. Ảnh chụp lúc 17h10 ngày 30/8. Ảnh: V.H. |
Cũng khẳng định là sẽ bồi thường thiệt hại cho khách hàng, nhưng Phó giám đốc Công ty xăng dầu khu vực 2 Petrolimex Đặng Duy Quân cho biết, hiện nhà cung cấp này chưa nhận được lời khiếu nại chất lượng xăng aceton nào của người tiêu dùng. Tuy nhiên, công ty đã tiến hành thu hồi, đổi xăng sạch cho các cửa hàng xăng. Song, đến chiều 30/8 ông Quân vẫn chưa nắm được số lượng được thu hồi là bao nhiêu.
"Nếu người tiêu dùng thấy điểm bán xăng Petrolimex nào treo biển dừng bán thì chính là thay xăng sạch. Xăng có aceton sẽ được hút để chuyển về kho xăng Nhà Bè, chờ quyết định xử lý của các cơ quan chức năng", ông Quân nói với VnExpress. Hiện đã có khoảng 200.000 lít xăng có aceton của nhà cung cấp này được tiêu thụ hết.
Cả hai nhà nhập khẩu đều cam đoan sẽ thu hồi hết số xăng bẩn chậm nhất vào thứ sáu tuần này. Doanh nghiệp cũng đã làm việc với đối tác từ Hàn Quốc, yêu cầu không pha thêm aceton vào xăng, theo yêu cầu của Sở Khoa học công nghệ TP HCM.
Xăng pha aceton để làm gì, liều lượng bao nhiêu: Bó tay!
Từ doanh nghiệp nhập khẩu, chuyên gia kỹ thuật đến cơ quan quản lý đều bất ngờ trước kết quả kiểm định trong xăng có chứa aceton. Pha chế với một lượng nhỏ thì tốt nhưng pha đến bao nhiêu là tối ưu thì ở VN hiện chưa có câu trả lời.
Ông Nguyễn Mạnh Ẩm, Giám đốc Trung tâm tiêu chuẩn chất lượng 1, cho biết, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã có cuộc họp để bàn hướng xử lý số hàng có pha aceton. Giải pháp khả thi nhất là pha loãng để có nồng độ phù hợp, nhưng bao nhiêu thì lại chưa rõ. Phương án tái xuất lượng hàng này cũng được đưa ra, song còn phải chờ ý kiến của các cơ quan liên quan. Một số chuyên gia kỹ thuật đề xuất rửa aceton, tuy vậy cách này tốn kém và khó thực hiện.
Theo giới chuyên môn, nếu dùng aceton với một lượng rất nhỏ có thể giúp tăng chỉ số octan, giúp xăng cháy hết, động cơ tiết kiệm được tiêu hao nhiên liệu. Pha aceton với tỷ lệ lớn độ vài phần trăm (tính theo thể tích), loại dung môi này sẽ làm trương nở các vật liệu bằng nhựa hay cao su tổng hợp trong hệ thống cung cấp xăng.
Một cán bộ kỹ thuật của Petrolimex cho hay ý tưởng pha aceton vào xăng được các nhà khoa học trên thế giới đưa ra từ năm 2000, từ 2003 đến nay một số nước có thử nghiệm nhưng tỷ lệ pha chế thì hầu như chưa được công bố và công nhận. Có tài liệu đưa ra nồng độ 0,2% là tối ưu, có nghiên cứu lại đưa ra 0,1%.
Còn Phó viện trưởng Viện hóa học Công nghiệp Ngô Đại Quang thì cho rằng, thực tế các nước trên thế giới cũng rất ít khi pha chế chất này vào xăng. "Tôi cũng không hiểu các nhà cung cấp cho chất này vào xăng nhằm mục đích gì", ông Quang nói.
Vấn đề được nhiều chuyên gia đặt ra là liệu 2 doanh nghiệp đã nhập khẩu lô hàng trên có đủ năng lực để xử lý và ngăn chặn xăng pha aceton ra thị trường. Thực tế cả nước có 10 đầu mối nhập khẩu xăng dầu nhưng chỉ có 1-2 doanh nghiệp có bể chứa và phòng thí nghiệm đầy đủ. Không có phòng thí nghiệm nên họ khó có thể kiểm tra chất lượng xăng dầu trước khi xuất cho các đại lý bán lẻ, thiếu bể chứa nên khả năng nhanh chóng tách số xăng có aceton khỏi lưu thông rất khó thực hiện.
Hiện Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng chưa quyết định có đưa thêm aceton vào bảng tiêu chuẩn xăng dầu. Ông Ẩm cho hay, đây là một hóa chất đắt tiền nên hầu như chưa có nước nào đưa ra quy định cụ thể về tỷ lệ. Nếu có bổ sung tiêu chuẩn, VN khó có thể tổ chức một nghiên cứu độc lập vì tốn kém, nên Tổng cục có thể sẽ sử dụng nghiên cứu của các nước khác để đưa ra nồng độ hợp lý.
Nhóm phóng viên