PVN cho hay khi nhà máy Dung Quất hoàn thành và định lại giá trị, việc bán cổ phần sẽ tiến hành. Nguyên tắc là, tập đoàn sẽ ưu tiên cho các nhà đầu tư nước ngoài có cam kết lâu dài cung cấp nguyên liệu cho Nhà máy.
Bồn chứa dầu tại Nhà máy Lọc Dầu Dung Quất. Ảnh: Hoàng Hà. |
Hiện có một số đối tác nước ngoài như Essar (Ấn Độ), Shell (Hà Lan), Zarubezhneft và Rosneft (Nga) làm việc với PVN xung quanh việc mua cổ phần và tham gia đầu tư nâng cấp, mở rộng nhà máy lọc dầu này.
PVN cho biết tuần tới, tập đoàn và đối tác BP sẽ ký hợp đồng cung cấp nguyên liệu dầu hỗn hợp cho nhà máy lọc dầu Dung Quất để thay thế tối thiểu 50% lượng dầu thô từ mỏ Bạch Hổ. Tuy nhiên, PVN sẽ căn cứ vào giá cả và chất lượng loại dầu hỗn hợp này để xác định cụ thể sản lượng dầu thay thế.
Theo kế hoạch, ngày 25/2/2009, sản phẩm xăng, dầu và khí đốt thương mại đầu tiên sẽ ra lò tại nhà máy Lọc Dầu Dung Quất sau gần 44 tháng xây dựng và thử nghiệm. Trong giai đoạn đầu, Lọc dầu Dung Quất hoạt động khoảng 50% công suất, sau đó từ tháng 8 đến tháng 12/2009 sẽ đạt mức 100%. Tính trung bình cả năm sẽ đạt 60-65% công suất, tương ứng với khả năng chế biến 4 triệu tấn dầu thô. Công suất thiết kế cho nhà máy vào khoảng 6,5 triệu tấn dầu thô một năm và sẽ cho ra 6,3 triệu tấn sản phẩm các loại.
Mỗi ngày, Nhà máy cung cấp khoảng 320-460 tấn khí polypropylen, 900-100 tấn khí hóa lỏng, 3.000-5.000 tấn xăng A90, 2.700 tấn xăng A92 và A95. Dầu hỏa và nhiên liệu máy bay ước đạt khoảng 400.000 tấn một năm. Diezel dùng cho ôtô khoảng 3 triệu tấn một năm, dầu FO khoảng 300.000 tấn một năm. Lượng xăng dầu này đủ đáp ứng 30-40% nhu cầu trong nước, giảm áp lực nhập khẩu và tiến tới mục tiêu xuất khẩu trong tương lai.
Hồng Anh