Nội dung trên được ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) chia sẻ sáng nay (11/6).
Lãnh đạo SCIC cho biết Vietnam Airlines gặp nhiều khó khăn sau Covid-19, thiếu hụt về tài chính và dòng tiền. "Chúng tôi đang đề xuất và sẽ chủ động phối hợp với Vietnam Airlines để tham gia quá trình tái cấu trúc. Tôi tin thương vụ đầu tư có ý nghĩa và sẽ thành công", ông Chi nói.
Quy mô đầu tư, theo ông Chi, có thể lên tới nhiều nghìn tỷ đồng, tùy theo đề án tái cơ cấu của Vietnam Airlines.
Để tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines, Chủ tịch SCIC cho rằng không thể dùng các giải pháp đơn độc, phải đồng bộ nhiều giải pháp, có thể là tăng vốn, đi vay, tái cấu trúc và đàm phán lại các khoản nợ. Nguyện vọng của SCIC là trở thành cổ đông của Vietnam Airlines nếu tổng công ty này tăng vốn.
Trong nửa đầu năm, dù chịu tác động của Covid-19, đại diện SCIC cho biết tổng công ty vẫn hoàn thành trên 50% kế hoạch về doanh thu và lợi nhuận. Kế hoạch bán vốn năm nay dự kiến 1.400 tỷ cũng thực hiện được hơn 700 tỷ đồng. Trong những tháng cuối năm, mục tiêu của SCIC là thực hiện hai đợt bán vốn lớn tại Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex) và Tổng công ty Thủy sản (Seaprodex).
Trước đó, đầu năm, SCIC công bố danh sách dự kiến bán vốn năm nay với 85 doanh nghiệp, giảm 23 đơn vị so với năm trước. Trong đó, 28 doanh nghiệp đang giao dịch cổ phiếu trên sàn chứng khoán.
Trong danh sách này, nhiều cái tên đã xuất hiện liên tục trong kế hoạch bán vốn những năm gần đây như FPT (SCIC sở hữu 6%), Tập đoàn Bảo Việt (3%), Tổng công ty Bảo Minh (51%), Nhựa Tiền Phong (27%), Công ty Đầu tư Bảo Việt - SCIC (50%), Công ty Đầu tư Tháp truyền hình Việt Nam (33%).
Minh Sơn