Báo cáo tài chính bán niên của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) ghi nhận nợ phải trả giảm đột biến sau khi bàn giao Quỹ hỗ trợ và sắp xếp phát triển doanh nghiệp về Bộ Tài chính từ đầu năm 2018. Việc này được Thủ tướng chỉ đạo từ cuối năm 2017, theo quy định tại Nghị định số 126 về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty TNHH MTV do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần.
Tổng nợ tính đến cuối quý II giảm hơn 20.000 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm, chỉ còn hơn 1.460 tỷ. Khoản mục Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp có dư nợ 19.055 tỷ đồng cũng không còn xuất hiện trên báo cáo tài chính.
Nguồn thu của Quỹ này đến từ việc cổ phần hóa doanh nghiệp 100% vốn nhà nước; các hình thức sắp xếp chuyển đổi khác như giao, bán, giải thể, phá sản doanh nghiệp; lợi nhuận sau thuế và khoản chênh lệch giữa vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ của các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước...
Nguồn vốn của Tổng công ty biến động tương ứng khi giảm còn 41.750 tỷ đồng. Vốn đầu tư của chủ sở hữu và quỹ đầu tư phát triển lần lượt chiếm tỷ trọng gần 53% và 43%.
Báo cáo tài chính cũng cho thấy, doanh thu hoạt động đầu tư và kinh doanh vốn sáu tháng đầu năm giảm hơn 14% so với cùng kỳ năm trước, còn 2.288 tỷ đồng. Phân nửa trong số này là cổ tức và lợi nhuận được chia. Phần còn lại gồm lãi tiền đầu tư trái phiếu, bán các khoản đầu tư và cho thuê bất động sản.
Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng hơn 30 tỷ đồng, cộng thêm lãi trong công ty liên doanh – liên kết giảm khiến lợi nhuận sau thuế của Tổng công ty giảm gần 460 tỷ đồng so với cùng kỳ, còn hơn 1.940 tỷ.
Theo danh mục thoái vốn nhà nước giai đoạn 2017 - 2020, Tổng công ty sẽ bán phần vốn nhà nước tại 62 doanh nghiệp tại 6 Bộ và 16 địa phương với tổng số vốn trên 11.200 tỷ đồng. Tuy nhiên lũy kế đến hết tháng 6, doanh nghiệp này mới tiếp nhận 25 doanh nghiệp theo danh sách chuyển giao với tổng vốn Nhà nước hơn 862 tỷ đồng.
Chủ tịch Hội đồng thành viên – ông Nguyễn Đức Chi cho rằng nhiều bộ ngành, địa phương đang có tình trạng "chần chừ" chưa muốn thực hiện bàn giao doanh nghiệp về cho SCIC.
Theo đại diện Tổng công ty, gần đây thị trường chứng khoán Việt Nam có xu hướng điều chỉnh và không còn thuận lợi như đầu năm. SCIC đang xem xét lựa chọn các phương án thoái vốn phù hợp, tính toán để mang lại lợi ích cao nhất. SCIC đặt mục tiêu tổng doanh thu năm nay gần 7.900 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 5.400 tỷ đồng.
Phương Đông