Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa công bố tình hình hoạt động kinh doanh trong nửa đầu năm nay. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm SCIC ghi nhận doanh thu đạt 2.266 tỷ đồng, trong đó thu cổ tức đạt 1.220 tỷ và doanh thu tài chính đạt 715 tỷ đồng, thực hiện 49% và 55% kế hoạch năm.
Riêng nguồn thu từ hoạt động bán vốn trong nửa đầu năm đạt 2.669 tỷ đồng, chiếm 48% tổng thu từ thoái vốn của cả nước. Doanh thu bán vốn này bao gồm cả việc thoái vốn tại Nhựa Bình Minh, tuy nhiên khoản thu này không được tính vào doanh thu trong kỳ của SCIC mà phải nộp trực tiếp về quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp.
Với kết quả này, SCIC ghi nhận lợi nhuận sau thuế hơn 1.900 tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 1.500 tỷ và nộp quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp hơn 2.800 tỷ đồng.
Theo danh mục thoái vốn nhà nước giai đoạn 2017-2020, SCIC sẽ bán phần vốn nhà nước tại 62 doanh nghiệp tại 6 Bộ và 16 địa phương với tổng số vốn nhà nước trên 11.200 tỷ đồng.
Tuy nhiên lũy kế đến hết tháng 6, SCIC mới tiếp nhận 25 doanh nghiệp theo danh sách chuyển giao với tổng vốn Nhà nước hơn 862 tỷ đồng. Riêng nửa đầu năm, tổng công ty mới tiếp nhận 5 trên 45 doanh nghiệp theo kế hoạch tiếp nhận cả năm 2018.
Nói đến vấn đề này, ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC cho rằng, nhiều bộ ngành, địa phương đang có tình trạng "chần chừ" chưa muốn thực hiện bàn giao doanh nghiệp về cho SCIC.
Tại nhiều Bộ, dù số doanh nghiệp bị vướng các vấn đề tài chính liên quan đến Thông tư 118 chỉ chiếm một phần trong tổng số đã xong hồ sơ để chuyển giao, nhưng các Bộ trì hoãn với lý do "phải chuyển cả gói". Điều này khiến công tác tiếp nhận và thoái vốn của Tổng công ty gặp nhiều khó khăn.
Với những tồn đọng về tài chính không phù hợp với các quy định của Thông tư 118, SCIC cho biết đang kiến nghị để chỉnh sửa cho phù hợp với thực tế.
Năm 2018, SCIC đặt mục tiêu tổng doanh thu gần 7.900 tỷ đồng với lợi nhuận sau thuế hơn 5.400 tỷ đồng.
Theo đại diện SCIC, gần đây thị trường chứng khoán Việt Nam có xu hướng điều chỉnh và không còn thuận lợi như đầu năm. Tổng công ty đang xem xét lựa chọn các phương án thoái vốn phù hợp, tính toán để mang lại lợi ích cao nhất.
“Không thể cứ mang hàng ra bán bằng mọi giá nhưng cũng không thể muốn bán giá tốt rồi một mình một chợ”, Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC nhận xét. Trong nửa cuối năm, trọng tâm thoái vốn của Tổng công ty được đặt vào một số doanh nghiệp lớn như Vinaconex, Vocarimex, Domesco hay Vina Control.
Minh Sơn
Những thực trạng và giải pháp để tái cấu trúc thị trường vốn - tài chính sẽ được thảo luận trong chuyên đề thứ hai thuộc Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018 (Vietnam Economic Forum – ViEF) khai mạc sáng 21/8 tại Hà Nội.
Diễn đàn là nơi các nhà quản lý, giới chuyên gia và doanh nghiệp cùng nhau phân tích toàn cảnh thị trường vốn và tài chính tại Việt Nam, đồng thời đưa ra những phương án, đề xuất giải pháp xây dựng thị trường vốn cho đầu tư dài hạn. Chương trình do VnExpress phối hợp cùng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân của chính phủ tổ chức.
Theo dõi chương trình và đăng ký tham dự tại: https://vief.vnexpress.net/