Joseph Schooling không còn là cái tên xa lạ của làng bơi thế giới sau khi đánh bại Michael Phelps ở nội dung 100m bơi bướm Olympuc 2016. Kình ngư người Singapore từng giành ba huy chương tại Incheon 2014 là vàng ở nội dung 100m bướm, bạc ở 50m bướm và đồng ở 200m bướm. Schooling hứa hẹn sẽ cải thiện thành tích hơn nữa ở giải đấu năm nay.
Schooling hướng về năm nội dung ở Asiad 2018. Bên cạnh sở trường 50m và 100m bướm, Schooling và đội Singapore tranh tài ở nội dung 4x100m tự do và 4x100m hỗn hợp. Nội dung cuối cùng mà Schooling có thể đổi là 200m bướm sang 100m tự do.
Su Bingtian được xem là ngôi sao sáng của điền kinh Trung Quốc tại giải năm nay. VĐV sinh năm 1989 mới đạt thành tích tốt nhất của bản thân (personal best) ở nội dung 100m với 9,91 giây tại Madrid vào tháng sáu vừa qua. Một tuần sau tại giải Paris, Bingtian tiếp tục đạt cột mốc ấn tượng này. Vào tháng 5/2017, Bingtian từng đạt thành tích ấn tượng hơn là 9,90 giây, nhưng không được ghi nhận về mặt kỷ lục bởi sức gió hôm đó là 2,4 m/s - vượt mốc 2 m/s theo quy định.
Cách đây bốn năm, Bingtian để thua VĐV Qatar gốc Nigeria là Femi Ogunode tại Incheon. Tuy nhiên, Ogunode sụt giảm phong độ đáng kể trước giải năm nay, khi chưa thể chạy dưới 10 giây trong năm 2018. Đối thủ lớn nhất của Bingtian có thể là đồng hương Xie Zhenye, người đạt thành tích tốt nhất của bản thân là 9,96 giây vào tháng Sáu vừa qua.
Kento Momota mới bước lên ngôi vô địch thế giới môn cầu lông cách đây hơn một tuần. VĐV 23 tuổi trở thành người Nhật đầu tiên lên ngôi vô địch thế giới cầu lông nội dung đơn nam, sau khi đánh bại Shi Yuqi (Trung Quốc) trong hai set là 21-11 và 21-13.
Momota từng dích vào scandal khiến anh bị cấm thi đấu một năm hồi 2016. Khi đó, tay vợt này đang đứng hạng hai thế giới, nhưng vì tới một sòng bạc trái phép, anh mất cơ hội dự Olympic tại Brazil. Tuy nhiên, Momota đã trở lại mạnh mẽ và là ứng viên nặng ký nhất để giành HC vàng ở Á vận hội năm nay.
Nicol David là siêu sao bóng quần của Malaysia. VĐV 34 tuổi từng vào năm trận chung kết liên tiếp nội dung đơn nữ ở Asiad, giành tới bốn HC vàng vào năm 1998, 2006, 2010, 2014 và chỉ một lần về nhì năm 2002. Bên cạnh đó, David còn giành thêm hai HC vàng nội dung đồng đội ở Quảng Châu 2010 và Incheon 2014.
Tấm HC vàng Á vận hội đầu tiên của David gây sốc thế giới khi cô mới 14 tuổi ở Bangkok 1998. Sau 20 năm, David đã ở bên kia sườn dốc sự nghiệp và đây có thể là lần cuối ngôi sao gốc Penang chinh chiến tại Asiad. David rất muốn làm nên thành công ở giải năm nay bởi Jakarta là nơi cô lần đầu tiên khoác áo tuyển Malaysia, ở SEA Games 1997 khi 13 tuổi.
Son Heung Min có thể là cái tên được nhiều người biết tới nhất tại Indonesia hè này. Ngôi sao bóng đá Hàn Quốc đã chứng tỏ đẳng cấp trong màu áo Leverkusen rồi Tottenham. Son vừa dự World Cup 2018 trong màu áo tuyển Hàn Quốc, nhưng tiếp tục dẫn dắt các đàn em ở sân chơi châu Á.
Triệu tập tới ngôi sao ở tầm cỡ châu Âu, Hàn Quốc không giấu tham vọng giành HC vàng bóng đá nam. Bên cạnh danh hiệu cho quốc gia, Son còn chịu sức ép giành HC vàng để có thể xin miễn đi nghĩa vụ quân sự. Như các nam thanh niên Hàn Quốc, Son sẽ phải đi nghĩa vụ quân sự 21 tháng khi bước sang tuổi 28 vào tháng 7/2020. Việc đăng lính sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sự nghiệp bóng đá của cầu thủ này.
Bảo Lam