- Đợt xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân Dân (NSND) lần thứ tám đang diễn ra, NSND Kim Cương vừa lên tiếng với các cơ quan chức năng về việc xin đặc cách cho bà nhận danh hiệu, bà nghĩ sao về điều này?
- Tôi rất vui và thấy ấm lòng khi được mọi người quan tâm và nhớ đến. Nhưng thực tình, từ trước đến giờ tôi không quan tâm nhiều đến chuyện đi xin danh hiệu cho mình. Khán giả hay giới chuyên môn trao cho tôi danh hiệu nào, tôi sẽ nhận danh hiệu đó. Hàng chục năm đứng trên sân khấu, tôi được tặng nhiều cái tên như: Đệ nhất đào thương, Nữ hoàng vọng cổ, Vương nữ Sương chiều, Sầu nữ... Trong số đó, tôi thích nhất được khán giả gọi với cái tên "sầu nữ" chứ không phải là danh hiệu nào khác.
Ở đợt xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân Dân cách đây khoảng ba năm, cũng có đại diện của cơ quan chức năng đến tận nhà đưa tôi các hồ sơ điền vào đơn xin, nhưng tôi từ chối. Tôi tự thấy mình cao tuổi rồi, không còn làm được gì nhiều cho sân khấu, chỉ biết đóng góp những việc trong khả năng mình có thể. Vì vậy, tôi không dám viết đơn xin danh hiệu.
Nghệ sĩ Út Bạch Lan trước căn hộ nhỏ của bà trong một chung cư cũ ở đường Trần Hưng Đạo, quận 1, TP HCM. Bà sống cùng con nuôi và các cháu. Căn hộ nhỏ nhưng lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười. Nữ nghệ sĩ cho biết bà hạnh phúc với cuộc sống hiện tại. Ảnh: Thoại Hà. |
- Nhắc đến bà, khán giả nhớ ngay đến danh hiệu "Sầu nữ Út Bạch Lan". Hai chữ "sầu nữ" vận vào bà những nỗi niềm ra sao?
- Tôi thích được gọi là "sầu nữ" vì nó gợi nên hình ảnh đẹp của một đào thương trên sân khấu, nhưng không có nghĩa ngoài cuộc đời tôi lúc nào cũng buồn bã, u sầu. Cuộc đời một con người bình thường vốn dĩ có lắm nỗi niềm, huống chi đời người nghệ sĩ thì tránh sao khỏi không có lúc đau buồn, sướng khổ. Nhưng nhìn lại cả chặng đường dài đã qua, tôi thấy mình có nhiều niềm vui hơn là nỗi buồn. Tôi không muốn nói về nỗi buồn trong quá khứ mà luôn vui với hiện tại. Tuổi này, tôi vẫn còn được khán giả dành nhiều tình cảm khi lên sân khấu biểu diễn, vẫn được đồng nghiệp yêu thương, các thế hệ em cháu trong nghề quý trọng, chịu đồng hành với tôi trong công việc thiện nguyện, mang lời ca tiếng hát cổ truyền đến với mọi người.
- Ở tuổi 80 bà vẫn miệt mài làm công việc thiện nguyện khắp các tỉnh thành trong nước. Động lực nào mang đến sức mạnh cho bà thực hiện công việc này?
- Tôi xuất thân từ con nhà nghèo, mồ côi cha, phải chịu vất vả với mẹ từ sớm nên tôi hiểu cảnh nghèo khó là thế nào. Từ lâu tôi đã quy y nhà Phật, ăn chay trường, sống cuộc đời thanh đạm. Tôi chỉ muốn góp chút sức của mình để san sẻ khó khăn với những mảnh đời bất hạnh khác vì tôi thấy mình may mắn khi không sống đời long đong, vất vả mà có con, có cháu quây quần bên cạnh. Trong khi còn rất nhiều nghệ sĩ chưa được an hưởng tuổi già.
Hơn 20 năm qua, tôi và nhóm từ thiện "Hoa lan trắng" (lấy theo tên bản vọng cổ do nghệ sĩ Viễn Châu viết tặng cuộc đời Út Bạch Lan) của mình gồm các diễn viên cải lương trẻ và các nghệ sĩ như Diệu Hiền, Thanh Sử… miệt mài đi làm từ thiện. Cứ mỗi lần cả nhóm sắp sửa lên đường đi hát, đi trao quà cho bà con là lòng tôi rộn niềm vui. Nhờ vậy, tôi có thể quên đi cái mệt của tuổi tác để ngồi xe cùng các em, cháu đi tỉnh xa, rồi đi bộ đến những địa chỉ từ thiện ở miền quê, ở chùa.
Nghệ sĩ Út Bạch Lan một thời xuân sắc. |
- Vì sao đến giờ bà vẫn chưa có một liveshow ghi dấu ấn với sân khấu?
- Sáu mươi năm đứng trên sân khấu, tôi đã nhận quá nhiều thứ từ khán giả nên bây giờ tôi không dám nghĩ đến việc làm chương trình riêng. Một phần tôi ngại chuyện mình làm liveshow sẽ dễ bị nhầm là muốn kiếm thêm tiền từ túi người xem. Một phần vì tôi là người lớn tuổi, đâu cần chương trình hoành tráng làm gì. Nhiều lúc tôi đi hát ở chùa, đang hát tôi bỗng quên lời bài vọng cổ, phải ngừng lại xin lỗi mọi người, chờ đến khi có người "nhắc tuồng" tôi mới tiếp tục. Ca hát với tôi bây giờ là niềm vui và tôi chỉ muốn chia sẻ niềm vui đó với mọi người trong những dịp họp mặt có ý nghĩa thiện nguyện, hát ở sân chùa, hát cho khán giả vùng sâu vùng xa...
- Từng sống qua thời vàng son của sân khấu cải lương, mỗi khi nhớ lại giai đoạn huy hoàng đó, bà nhớ nhất điều gì?
- Tôi luôn luôn giữ trong lòng mình hình ảnh đẹp của sân khấu cải lương một thời. Để có được giai đoạn vàng son đó, cả một tập thể nghệ sĩ, họa sĩ, soạn giả, người lo phục trang, âm thanh, ánh sáng, hậu đài, ông bầu bà bầu các gánh hát... đều sống chết trọn vẹn với nghề. Những người thầy thì tận tâm truyền đạt kinh nghiệm ca diễn cho học trò. Người soạn giả thì dốc tâm lực để viết nên vở tuồng hay, đi vào lòng người xem. Nghệ sĩ trình diễn thì hết mình khi hóa thân vào từng nhân vật....
Đến bây giờ, khi nhớ về những họa sĩ thiết kế sân khấu của thời đó tôi vẫn còn giữ trong lòng sự ngạc nhiên và kính phục với các họa sĩ: Phan Phan, Lô Ca... Qua bàn tay của họ, sân khấu cải lương đẹp như mơ với những hình ảnh dòng sông, con đò, thác nước thật trên sân khấu, rồi hình ảnh mái nhà tranh, những cơn mưa nhân tạo... Tất cả các kỹ thuật đó họ đều tự mày mò, dùng trí tưởng tượng và óc sáng tạo để tận dụng những nguyên vật liệu gần gũi nhất tạo nên hiệu ứng thật, mang đến cảm xúc thật cho sân khấu. Bạn có tin là khán giả ngày ấy xếp hàng tranh nhau mua bằng được vé ngồi ở hàng ghế đầu của một vở tuồng chỉ để được cái vinh dự chùi mặt khi mưa thật ở sân khấu bắn xuống hàng ghế ngồi, để được sống trong khung cảnh như mơ mà những người dàn dựng sân khấu tạo nên. Ngày nay, kỹ thuật công nghệ đều cao hơn hàng chục năm trước, nhưng tôi có cảm giác, sân khấu cải lương không mang lại được những cảm xúc như xưa mà ngày càng bị gắn với khái niệm "tượng trưng", "ước lệ" nhiều hơn.
Nghệ sĩ Huỳnh Quý chở NSƯT Út Bạch Lan trong một lần đi trao quà từ thiện. Ở tuổi 80, bà vẫn tất bật với các hoạt động công tác xã hội. Ảnh: Thanh Hiệp. |
- Ước mơ của bà dành cho sân khấu cải lương hôm nay là gì?
- Thấy cảnh nghệ sĩ cải lương hôm nay thiếu sân khấu đúng nghĩa để diễn mà tôi chạnh lòng quá. Tôi vẫn thường cầu mong ơn trên cho tôi được trúng số độc đắc (cười). Nếu trúng được 6-7 tỷ tôi sẽ đầu tư dựng lại một sân khấu đẹp như thời trước, để cùng các đồng nghiệp, diễn viên trẻ tái dựng lại không khí của một thời. Nếu thấy lại được cảnh đó, tôi có mất đi chắc cũng mãn nguyện.
Nghệ sĩ Ưu tú Út Bạch Lan, sinh năm 1935 tại Long An, tên thật là Đặng Thị Hai. Bà thành danh trên sân khấu cải lương miền Nam từ những năm 1960 với vai cô lái đò trong vở Tình tráng sĩ. Sau đó, bà gây tiếng vang, ghi dấu ấn qua các vai diễn trong nhiều vở tuồng nổi tiếng như: Nửa đời hương phấn, Chưa tắt lửa lòng, Bên đồi trăng cũ, Thuyền ra cửa biển, Áo trắng nàng Mộng Trinh, Nửa bản tình ca, Người đẹp thành Bát Đa... Đến nay, bà được xem là nghệ sĩ gạo cội của làng cải lương, là "viên ngọc quý" với giọng hát và phong cách diễn mượt mà, trữ tình có một không hai. Ngày 9/7, kỳ họp thứ thứ ba của 25 thành viên của Hội đồng Nhà nước xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân Dân - Nghệ sĩ Ưu Tú lần thứ tám được tổ chức tại Hà Nội. Trước đó, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công bố danh sách 158 nghệ sĩ được đề nghị phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT. Các danh hiệu dự kiến được trao vào dịp kỷ niệm 70 năm ngày Quốc khánh 2/9. Để lên được tới hội đồng xét duyệt cấp nhà nước cho hai danh hiệu này, người nghệ sĩ phải hoàn thành bảy loại đơn từ, văn bản và qua bốn hội đồng xét duyệt là hội đồng cơ sở, hội đồng tỉnh, hội đồng cấp bộ, cuối cùng là hội đồng cấp quốc gia. Ngoài những quy định về phẩm chất, đạo đức, thâm niên, với danh hiệu NSND, một trong các tiêu chí quan trọng để hội đồng căn cứ xét duyệt là nghệ sĩ phải ít nhất hai giải vàng quốc gia... NSND Kim Cương cho rằng, cơ quan chức năng cần xem lại tiêu chí xét duyệt NSND, NSƯT để đặc cách trao danh hiệu cho người xứng đáng. "Trong làng nghệ thuật miền Nam có nhiều nghệ sĩ tên tuổi, sống trong lòng người dân mà không ai có thể phủ nhận như: như Út Bạch Lan, Minh Vương và rất nhiều người nữa... Nhưng do hoàn cảnh cá nhân, hoàn cảnh đất nước họ không thể nào có điều kiện lấy huy chương", bà Kim Cương bày tỏ. |
Thoại Hà thực hiện