Hai bệnh nhân từ Bệnh viện Chợ Rẫy chuyển về Bệnh viện Đồng Nai điều trị tiếp, là bạn bè, một người 20 tuổi và một người 26 tuổi, cùng ngụ tại Nhơn Trạch, Đồng Nai. Ngày 24/7, họ cùng ăn pate Minh Chay với một bạn nữ khác, 24 tuổi, ngụ Vũng Tàu.
Sau ăn, hai bệnh nhân ở Đồng Nai nôn ói, không sốt. Riêng bệnh nhân ở Vũng Tàu đau họng, sốt, khó nuốt. Họ nhập bệnh viện địa phương các ngày 27 và 28/7. Cả ba đều xuất hiện triệu chứng khó nói, khó nuốt, sụp mi mắt, khó thở, yếu tứ chi, sức cơ chỉ còn 2 đến ba trên 5. Diễn biến bệnh nặng, sụp mi hoàn toàn, suy hô hấp, phải thở máy.
Hai bệnh nhân Đồng Nai được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy, TP HCM, được xác định ngộ độc bolutinum. Trong một tháng, họ phải thở máy, lọc máu, thay huyết tương năm lần cách nhật, tăng cường vitamin nhóm B...
Khi tình trạng khả quan hơn, các bệnh nhân được chuyển về lại bệnh viện địa phương tiếp tục theo dõi và điều trị. Hai bác sĩ Nguyễn Ngọc Sang ở khoa Bệnh nhiệt đới và Nguyễn Lý Minh Duy thuộc khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy, theo tới Đồng Nai để hỗ trợ đồng nghiệp.
Hiện bệnh nhân 20 tuổi vẫn phụ thuộc vào máy thở. Chị bị rối loạn tri giác do hạ natri máu. Sức cơ còn yếu khiến hô hấp chưa được đảm bảo. Bệnh nhân đang nằm tại khoa Hồi sức cấp cứu để bồi hoàn natri máu và cho thở máy trở lại.
Khi bác sĩ tới thăm, chị tỉnh táo hoàn toàn, thực hiện y lệnh tốt và trả lời các câu hỏi của bác sĩ bằng cách gật hoặc lắc đầu. Nhận ra bác sĩ Sang, chị cười và cố nắm tay anh. Tuy nhiên sức cơ bệnh nhân chỉ thực hiện được các vận động đơn giản như co nắm nhẹ, giơ ngón tay. Thời gian tới, bệnh nhân sẽ được tập cai máy thở.
Trong khi đó, bệnh nhân 26 tuổi được điều trị tại khoa Nội thần kinh. Sức khỏe bệnh nhân ổn định, không sốt, sức cơ đạt 3/5. Bệnh nhân tự thở được qua mở khí quản.
️Bác sĩ nhận định, tình trạng của cả hai bệnh nhân tương đối ổn định, đã hết viêm phổi, sức cơ đang trong quá trình hồi phục. Cả hai cần tiếp tục phòng ngừa nhiễm trùng, tập vật lý trị liệu hai lần mỗi ngày, bổ sung các chất dinh dưỡng đầy đủ để rút ngắn quá trình hồi phục
"Việc hồi phục không thể nhanh được, cần tập luyện từ từ. Khoảng một đến hai tháng nữa thì bệnh nhân có thể đạt một phần sức cơ", bác sĩ Sang nói.
Bốn bệnh nhân ngộ độc pate Minh Chay tại Quảng Nam hôm nay sức khỏe tiến triển tích cực hơn. Trong đó, ba người điều trị ở Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức (Quảng Nam), một bệnh nhân chuyển ra Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng điều trị tiếp.
Tiến sĩ Mai Văn Mười, Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam, trong ba người điều trị ở Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức có sư cô, 61 tuổi, đỡ mệt, đỡ đau đầu chóng mặt song còn cảm giác nặng mi mắt. Bệnh nhân nam 15 tuổi còn chóng mặt, không yếu liệt tay chân song khó nuốt thức ăn đặc. Bệnh nhân nữ 30 tuổi nuốt khó, nhược cơ, sụp mi, hơi khó thở, mong muốn chuyển ra Đà Nẵng điều trị.
Bác sĩ Nguyễn Tấn Hùng, Phó khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, cho biết bệnh nhân 30 tuổi từ Đà Nẵng chuyển ra đã tự thở được nhưng nhìn mờ, nhìn đôi, yếu cơ, cơ lực khoảng 4/5. Bệnh nhân được hỗ trợ hô hấp, tập phục hồi chức năng để tránh tình trạng thở máy.
Bốn bệnh nhân này trước đó cùng nhau ăn pate Minh Chay kèm với bánh mì. Lần lượt ngày 1, 2 và 4/9, bốn người bị ngộ độc, vào Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức cấp cứu. Cơ quan chức năng Quảng Nam lấy mẫu pate Minh Chay xét nghiệm, đến nay chưa có kết quả.
Ngày 29/8, Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế, cảnh báo khẩn sản phẩm pate Minh Chay nhiễm vi khuẩn độc botulinum, gây tình trạng liệt cơ, suy hô hấp.
Hiện cả nước ghi nhận 15 bệnh nhân ngộ độc botulinum phải nhập viện tại các tỉnh thành Hà Nội, TP HCM, Khánh Hòa, Đồng Nai, Long An, Bình Dương, Quảng Nam. Hai bệnh nhân tại Hà Nội được điều trị bằng huyết thanh kháng độc nhập khẩu. Các bệnh nhân khác điều trị không đặc hiệu gồm thay huyết tương, bổ sung vitamin, thở máy, trị liệu vật lý. Thời gian thở máy của các bệnh nhân đều kéo dài, có thể tới hai tháng.
Thư Anh - Đắc Thành