Nhận xét này được các đại biểu Quốc hội nêu khi thảo luận ở tổ về dự Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), chiều 5/6.
Ông Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch tỉnh Quảng Trị, nhận xét sở hữu chéo ngân hàng làm gia tăng một số rủi ro như tăng vốn ảo thông qua việc đi vay để đầu tư, góp vốn lẫn nhau (trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua công ty con, cháu). Hoặc một hệ lụy khác là rủi ro thâu tóm, chi phối của nhóm cổ đông lớn và người có liên quan: việc ngân hàng mẹ, các công ty con, công ty liên kết cùng đầu tư vào một doanh nghiệp, sở hữu cổ phần chi phối hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại.
"Điều này khiến vốn toàn hệ thống không tăng thực mà chỉ tăng trên sổ sách, kéo theo hệ lụy làm sai lệch về quản trị ngân hàng cũng như việc đánh giá rủi ro, trích lập dự phòng hay giám sát các hoạt động tài chính", ông Đồng phân tích.
Ông Nguyễn Hải Nam, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế, cũng lo ngại tình trạng sở hữu chéo ngân hàng và công ty tài chính. Ông nêu thực tế có hiện tượng lách luật tỷ lệ sở hữu, hạn mức tín dụng cho đối tượng doanh nghiệp vay thông qua "vốn bật tường" từ ngân hàng A sang ngân hàng B hoặc công ty tài chính A sang công ty tài chính B; hay sau ngân hàng A là thấy bóng dáng ngân hàng A’ hoặc doanh nghiệp B và phần lớn là doanh nghiệp bất động sản. Việc này tiềm ẩn sự thao túng, sở hữu chéo.
"Quy định của luật đã đủ để khắc phục tình trạng sở hữu chéo hay chưa? Sở hữu chéo ngân hàng là lực cản với năng lực cạnh tranh sòng phẳng, công bằng và phát triển lành mạnh hệ thống ngân hàng, nên cần biện pháp xử lý căn cơ hơn", ông nêu vấn đề.
Ông Đặng Ngọc Huy, Phó bí thư thường trực tỉnh ủy Quảng Ngãi, cũng chỉ ra thực trạng, ngoài câu chuyện của SCB hay Vạn Thịnh Phát, có nhiều doanh nghiệp là đại gia đứng sau ngân hàng. Tình trạng sở hữu chéo chưa giải quyết dứt điểm song luật tổ chức tín dụng chưa đề ra được quy định phòng ngừa, khắc phục các hạn chế.
"Giám sát không chặt chẽ, các chủ sở hữu có thể chi phối dòng tiền chảy vào những dự án sân sau của mình. Do mạng lưới phức tạp trong mối quan hệ sở hữu giữa các nhà băng, khi xuất hiện rủi ro, rất dễ xảy ra hiệu ứng domino không chỉ trong hoạt động ngân hàng", ông nhận xét.
Do đó, theo các đại biểu, cần thiết phải rà soát đồng bộ hệ thống pháp luật để thắt chặt/hạn chế những vụ việc qui mô lớn, gây ra tổn thất nghiêm trọng cho hệ thống tài chính, đặc biệt sau sự việc SCB - Vạn Thịnh Phát gần đây.
Để hạn chế sở hữu chéo, dự thảo luật có điều chỉnh tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông là cá nhân, cổ đông là tổ chức, cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó tương ứng từ không được vượt quá 5%, 15%, 20% xuống còn 3%, 10% và 15%. Trong đó, tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông lớn từ 5% xuống 3%, để hạn chế cổ đông lớn chi phối trong hoạt động ngân hàng.
Góp ý, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá tỷ lệ 3% hay 5% không quan trọng, mà nằm ở nghĩa vụ, trách nhiệm công khai, báo cáo của các tổ chức tín dụng.
Nêu thực tế các nước, ông cho hay, trong luật của các nước khi sở hữu cổ phần trong các ngân hàng, tổ chức tín dụng phải có nghĩa vụ công khai, báo cáo để "người ta biết được nhóm người liên quan và ai là người thực sự chi phối ngân hàng, tổ chức tín dụng đó".
Theo ông Huệ, đây là kinh nghiệm cần tham khảo khi thực tế hiện nay đã bắt đầu hình các mô hình tổ chức tương tự như tập đoàn tài chính hoặc công ty mẹ - con nhưng công ty mẹ là tổ chức tín dụng hoặc tập đoàn có thành viên là ngân hàng thương mại.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị quy định rõ hơn vấn đề tài chính của tổ chức tín dụng. "Trong dự thảo chỉ quy định mấy dòng thì không được", ông Vương Đình Huệ nói.
Ông cho rằng, dự luật cần quy định cụ thể các vấn đề về doanh thu, chi phí, trích lập dự phòng, để làm sao giải thích được câu hỏi "vì sao lạm phát thấp mà lãi suất huy động cao như thế để xã hội khỏi thắc mắc".
Các đại biểu cũng cho rằng, cần làm rõ cơ sở của việc đề xuất tỷ lệ giảm xuống 3%, cũng như cần kèm theo lộ trình phù hợp để các cổ công hiện hữu thực hiện thoái vốn.
Bên cạnh đó, dự luật cần tập trung rà soát quy định pháp luật về "người có liên quan" và quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần của các cổ đông và người có liên quan cho phù hợp, tránh việc một số trường hợp "thuê", "nhờ" người không có quan hệ gia đình đứng tên sở hữu cổ phần để gián tiếp gia tăng tỷ lệ sở hữu chi phối tại một tổ chức tín dụng.
Ngoài ra, để hạn chế tác động tiêu cực từ sở hữu chéo, cần nghiên cứu mở rộng đối tượng công bố thông tin với tất cả cổ đông là tổ chức, cá nhân và nhóm người có liên quan sở hữu từ 1% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng, để tăng tính minh bạch về sở hữu và đảm bảo an toàn cho hoạt động của tổ chức tín dụng.
"Có thể nghiên cứu xem xét mở "room" cho các nhà đầu tư nước ngoài nhằm thu hút dòng vốn "ngoại" - vừa là nguồn tiền thật để tái cơ cấu ngân hàng, vừa góp phần cải thiện công nghệ quản trị công ty trong ngân hàng", ông Đồng nêu.
Liên quan tới xử lý ngân hàng yếu kém, các đại biểu Quốc hội cũng cho rằng quá trình này vừa qua quá chậm chạp, không đạt mục tiêu.
Ông Hà Sỹ Đồng nhắc lại vụ việc rút tiền hàng loạt tại Ngân hàng Sài Gòn (SCB) tháng 10/2022 và cho rằng "đây là hệ lụy nặng nề nhưng tất yếu của việc chậm xử lý ngân hàng yếu".
Hiện dự thảo luật sửa đổi đưa ra quy định về can thiệp sớm và cho vay đặc biệt lãi suất ưu đãi 0% với các ngân hàng yếu, có nguy cơ đổ vỡ, rút tiền hàng loạt. Ông Nguyễn Hải Nam cho rằng, cần cân nhắc căn cứ cho vay đặc biệt; thẩm quyền cơ quan, bộ phận nào, đến đâu, như thế nào để "bảo vệ cán bộ thực hiện sau này".
Trong khi đó, ông Đặng Ngọc Huy đề nghị, cơ quan soạn thảo nghiên cứu, với ngân hàng thuộc diện theo dõi, kiểm soát đặc biệt cần áp dụng thông lệ quốc tế, tránh sự can dự sâu của Nhà nước.
Ông cũng tán thành với đề nghị của Ủy ban Kinh tế về việc đưa Luật Tổ chức tín dụng chuyển sang thông qua theo quy trình ba kỳ họp vì còn nhiều nội dung chưa rõ.