Hoàng Ngọc Quỳnh, sinh năm 1990, tốt nghiệp thạc sĩ loại xuất sắc trường Nottingham Business, Đại học Nottingham Trent, Anh năm 2017. Năm ngoái, chị giành học bổng tiến sĩ toàn phần của Đại học Lancaster, Anh trị giá 89.000 bảng Anh (khoảng 2,6 tỷ đồng) và là tác giả hai cuốn sách luyện nghe, nói tiếng Anh.
Với kinh nghiệm tự học 8.5 IELTS Speaking, chị Quỳnh chỉ ra sáu lỗi phát âm tiếng Anh người Việt thường mắc cùng cách khắc phục.
1. Thiếu âm đuôi (Ending sounds)
Đây là lỗi phát âm phổ biến của người Việt khi học tiếng Anh. Khác với tiếng Việt, các âm đuôi phụ âm của tiếng Anh được "bật" ra rõ ràng. Người học vì vậy thường xuyên mắc phải lỗi bỏ sót âm đuôi, chẳng hạn các âm đuôi /z/ /s/ /t/ /d/ /k/ /m/ /n/ /ð...
Để khắc phục lỗi "không phát âm âm đuôi", bạn hãy nghe video hoặc audio của người bản ngữ với tốc độ chậm, sử dụng transcript và để ý thật kỹ cách họ phát âm và tập nói theo nhiều lần.
2. Việt hóa khi phát âm tiếng Anh
Người Việt thường có xu hướng Việt hóa cách nói nhiều từ tiếng Anh nếu nghe "na ná" ngôn ngữ mẹ đẻ. Chẳng hạn, /ei/ thường được phát âm thành "ê" hoặc "ây" như date thành "đết", made thành "mết"; /əʊ/ đa phần được đọc là "ô", ví dụ road thành "rốt", hope đọc là "hốp"; /ð/ thường bị phát âm sai là "dơ". Đơn cử together /tə’geðə/ bị Việt hóa thành "tu ge dờ"...
Người học cần làm quen với 44 âm IPA tiếng Anh, sau đó thực hành ngay qua các từ vựng mới học. Hãy học thói quen nghe tiếng Anh chuẩn và để ý các âm được phát âm chính xác thế nào rồi tập nói theo nhiều lần.
3. Không nhấn trọng âm (Stress)
Nếu như tiếng Việt có dấu, tiếng Anh có trọng âm. Với các từ 2 âm tiết trở lên, một âm tiết luôn được nhấn. Hãy thử tưởng tượng bạn nói một câu tiếng Việt mà không có bất kỳ dấu nào, đó chính là cảm giác của người nước ngoài khi nghe một câu tiếng Anh không có trọng âm.
Để khắc phục lỗi nói không hoặc sai trọng âm, trước hết hãy bỏ thói quen "đoán bừa" trọng âm của từ. Thay vào đó, bạn hãy tập tra từ điển Anh - Anh và tập cách nhấn, nhá âm tiết theo audio/video, bắt chước thật nhiều lần để có thể phát âm với trọng âm chính xác.
Bạn có thể ghi chép lại trọng âm của những từ khó vào cuốn notebook từ vựng, ôn tập hàng ngày. Có thể tham thảo các nguyên tắc trọng âm (danh từ hai âm tiết, động từ hai âm tiết chẳng hạn), tuy nhiên để biết chính xác trọng âm của từ bạn luôn cần tra từ điển.
4. Thừa hoặc thiếu "s"
Nhiều người có thói quen thêm âm /s/ vào cuối tất cả từ trong câu hoặc hoàn toàn không nói âm đuôi này. Việc thêm /s/ vô tội vạ có thể khiến người nghe cảm thấy khó chịu và khó nghe nên bạn cần nhớ /s/ xuất hiện ở đâu và phát âm đúng.
Tương tự lỗi ending sounds, để khắc phục lỗi này, bạn hãy nghe video hoặc audio của người bản ngữ với tốc độ chậm, sử dụng transcript và để ý thật kỹ các từ có /s/ hay không. Dần dần bạn sẽ hình thành phản xạ nói /s/ đúng lúc đúng chỗ.
5. Quên nối âm (linking)
Trong tiếng Anh, việc nối từ giúp câu nói thêm tự nhiên và lưu loát. Nếu bạn không nối âm chuẩn xác, người nghe vẫn có thể hiểu bạn đang nói gì, nhưng để nói tiếng Anh hay và tự nhiên gần như người bản xứ, cũng như để đạt điểm cao trong phần thi nói, bạn cần học cách nối âm.
Để tập luyện nối âm khi nói tiếng Anh, trước hết hãy làm quen với các nguyên tắc cơ bản (C-V, C-C, V-V) và thực hành. Sau đó, không có cách nào luyện tập tốt hơn là nghe người bản ngữ nói thật nhiều lần. Bạn nên sử dụng các nguồn tài liệu nghe đảm bảo ba yếu tố nhanh vừa đủ, tự nhiên, có nối âm. YouTube là kênh rất hay để lựa chọn những nguồn tài liệu sinh động, đa dạng.
6. Không có ngữ điệu (intonation)
Tiếng Anh cũng có âm bổng, âm trầm. Sự thay đổi trong thanh điệu và nhịp điệu khi nói cũng có thể biến đổi nghĩa của câu và thể hiện tâm trạng khác nhau của người nói. Nếu bạn không nói có ngữ điệu, người nghe sẽ rơi vào tình trạng "mơ hồ", không nắm bắt được cảm xúc, thái độ của bạn. Trong nhiều trường hợp, việc nói không có ngữ điệu sẽ khiến cách nói của bạn nghe rất không tự nhiên.
Để khắc phục, hãy làm quen với các quy tắc ngữ điệu cơ bản, sau đó thực hành qua việc bắt chước cách nhấn nhá của nhân vật trong các cuộc hội thoại. Thực hành nhiều lần sẽ giúp bạn có ngữ điệu tự nhiên hơn và cách nói cũng sẽ cuốn hút hơn. Việc này tương đối mất thời gian nên bạn cần kiên nhẫn để cải thiện kỹ năng nói tiếng Anh.
Hoàng Ngọc Quỳnh