Mở đầu truyện, tác giả dành 6 câu thơ để nói về thuyết "tài mệnh tương đố":
Trăm năm trong cõi người ta,
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.
Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.
Lạ gì bỉ sắc tư phong,
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen.
Tiếp đó, người kể giới thiệu gia đình họ Vương, trong đó nói kỹ về nhân vật chính. Thúy Kiều là chị cả trong gia đình với hai em là Thúy Vân và Vương Quan.
Có nhà viên ngoại họ Vương,
Gia tư nghĩ cũng thường thường bậc trung,
Một trai con thứ rốt lòng,
Vương Quan là chữ, nối dòng nho gia.
Đầu lòng hai ả tố nga,
Thúy Kiều là chị, em là Thúy Vân.
Mai cốt cách, tuyết tinh thần.
Mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười.
Vân xem trang trọng khác vời,
Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang.
Hoa cười, ngọc thốt, đoan trang,
Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da.
Kiều càng sắc sảo mặn mà,
So bề tài sắc vẫn là phần hơn.
Làn thu thủy, nét xuân sơn,
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh.
Một hai nghiêng nước nghiêng thành,
Sắc đành đòi một, tài đành họa hai.
Thông minh vốn sẵn tính trời,
Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm.
Cung, thương làu bậc ngũ âm,
Nghề riêng ăn đứt Hồ cầm một trương.
Khúc nhà tay lựa nên chương,
Một thiên "bạc mệnh" lại càng não nhân.
Nếu như Thúy Vân là vẻ đẹp hiền từ, phúc hậu, trang nhã, khiến cho cỏ cây, hoa lá yêu mến mà phải "thua", "nhường" thì vẻ đẹp của Thúy Kiều hiện lên muôn phần sắc sảo, mặn mà vượt trội. Vẻ đẹp của Kiều khiến hoa, liễu phải "ghen", "hờn". Với việc khắc họa chân dung như vậy, tác giả dự báo về số phận hồng nhan bạc mệnh, éo le và nghiệt ngã của Thúy Kiều.
Câu 3: "Cậy em, em có chịu lời; Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa" là lời Thúy Kiều nói trước khi nhờ cậy Thúy Vân điều gì?