Nguyễn Du (1765-1820) là nhà thơ, nhà văn hóa lớn thời Lê mạt - Nguyễn sơ, xuất thân từ thế gia vọng tộc. Truyện Kiều nguyên tên Đoạn trường tân thanh là kiệt tác văn chương của Việt Nam. Đây là truyện thơ Nôm viết bằng thể lục bát, gồm 3.254 câu.
Có thuyết cho là truyện được viết sau khi Nguyễn Du đi sứ nhà Thanh về (1814-1820); có thuyết được nhiều nhà nghiên cứu chấp nhận hơn là truyện được viết vào thời gian Nguyễn Du làm Cai bạ ở Quảng Bình (1804-1809).
Truyện Kiều đã nâng vị trí tác giả lên hàng đại thi hào dân tộc, đã và đang đặt ra, gợi mở bao vấn đề về nội dung, nghệ thuật trong đông đảo độc giả, giới nghiên cứu hàng trăm năm nay.
Nội dung tác phẩm đã đề cập một cách khái quát, sâu sắc những vấn đề lớn, rất bức xúc của xã hội, vận mệnh con người suốt thời Lê mạt - Nguyễn sơ, giai đoạn khủng hoảng nghiêm trọng của chế độ phong kiến.
Theo sách Từ điển văn học Việt Nam từ nguồn gốc đến hết thế kỷ 19 (Nhà xuất bản Văn học, 2018), câu chuyện Thuý Kiều - Từ Hải vốn có thật trong đời sống lịch sử ở Trung Quốc. Bản chép sớm nhất có thể là Kỷ tiễu trừ Từ Hải bản mạt của Mao Khôn (1512-1601) người thời Minh.
Tích này sau đó được tiểu thuyết hóa thành nhiều tác phẩm dưới thời Minh, sang đầu triều Thanh. Nổi bật trong đó là Vương Thúy Kiều truyện của Dư Hoài được viết bằng văn ngôn, ngắn gọn, mô tả Thúy Kiều là người đẹp đa tài, trang nhã, đáng yêu nhưng bạc mệnh. Mức độ tiểu thuyết hóa còn tăng thêm nữa trong Vương Thúy Kiều truyện của Hồ Khoáng, sau đó là Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, xuất hiện dưới thời Khang Hy (1662-1729).
Kim Vân Kiều truyện thuộc thể loại tiểu thuyết tài tử - giai nhân, thư sinh - kỹ nữ, vốn đã thành truyền thống từ truyền kỳ đời Đường và phát triển mạnh dưới thời Minh - Thanh. Truyện này được nhiều tác giả của nền văn học phương Đông khai thác trở thành những tác phẩm khác.
Nhà thơ Nguyễn Du đã dựa vào tác phẩm này để viết truyện Nôm Đoạn trường tân thanh, tức Truyện Kiều. Tuy nhiên, chính Truyện Kiều chứ không phải bất cứ tác phẩm nào khác có cùng tích truyện như đã thúc đẩy giới nghiên cứu tìm lại một loạt sáng tác từ lâu đã bị quên lãng.
Câu 2: Thuý Kiều là con thứ mấy trong gia đình?