Quyết đoán và biết nói lên quan điểm cá nhân là kỹ năng quan trọng cho tương lai mỗi người, là nền tảng xây dựng sự tự tin. Dưới đây là những cách bạn có thể thực hiện để trao quyền cất lên tiếng nói, giúp trẻ rèn luyện kỹ năng này.
Để trẻ tự trả lời
Dù là chào hỏi một người bạn trên đường hay gọi món trong cửa hàng, bạn đều nên để trẻ tự nói. Nhiều trẻ phản ứng hơi chậm hoặc ngại ngùng, bố mẹ sẽ nói hộ để cuộc hội thoại trôi chảy, nhanh chóng. Tuy nhiên, điều này không giúp trẻ tốt hơn mà ngày càng khiến chúng chìm sâu trong sự nhút nhát và ngại giao tiếp.
Để thành thạo một kỹ năng cần quá trình tập luyện. Bạn không thể giúp đứa trẻ trở thành người quyết đoán, biết cất lên tiếng nói nếu như luôn trả lời hộ.
Cho trẻ sự lựa chọn
"Con uống vị dâu tây hay việt quất?", "Con sẽ đọc cuốn sách nào trước khi đi ngủ?"... Trrường hợp trẻ thường xuyên lưỡng lự và gặp khó khăn trong việc giao tiếp, bạn có thể rút ngắn thời gian bằng cách cho trẻ những lựa chọn đơn giản. Khi đó, trẻ sẽ quen với việc một hành động, sự việc có nhiều cách làm khác nhau, từ đó chọn ra cái chúng muốn và cảm thấy phù hợp nhất.
Dành nhiều thời gian cho các cuộc trò chuyện
Bạn cần dành thời gian mỗi ngày để trò chuyện, ngay cả khi hôm đó trẻ không gặp sự cố hay có vấn đề gì nghiêm trọng. Bạn có thể kết hợp nói chuyện trong bữa ăn hoặc lúc đi dạo, hỏi trẻ quan điểm về những chủ đề quen thuộc, bắt gặp trên đường đi. Chẳng hạn việc có nên dắt thú cưng đi dạo vào buổi tối, nếu có thì cần các đồ dùng bảo vệ như nào...
Các chuyên gia khuyên bạn không nên kết thúc cuộc hội thoại một cách nhanh gọn bằng cách khen "Ừ, đúng rồi", "Thật tuyệt". Bạn nên đặt nhiều câu hỏi mở, hỏi lý do cho trẻ và đợi chúng trả lời. Nếu trẻ tỏ ra hiểu biết, hãy hỏi trẻ học điều đó ở đâu và khuyến khích trẻ nói nhiều hơn.
Cố gắng không phán xét
Giống như khi bạn rất hăng hái, xung phong phát biểu trước lớp nhưng lại bị bạn bè cười nhạo, sau này bạn sẽ xấu hổ và không dám phát biểu nữa. Khi trẻ cố gắng nói chuyện hoặc đặt câu hỏi, bạn nên lắng nghe và không phán xét. Hãy trấn an trẻ bằng cách nói "Con đừng lo lắng" hoặc "Ngày còn nhỏ mẹ cũng thế" để trẻ cảm thấy được đồng cảm. Nếu những gì trẻ kể thật sự khó hiểu, bạn hãy đặt câu hỏi để trẻ diễn giải thêm.
Không so sánh
Một trong những điều gây ám ảnh với nhiều trẻ nhỏ suốt những ngày tuổi thơ là bị so sánh với anh chị em, bạn bè. Việc so sánh sẽ cản trở sự tự tin của trẻ, khiến chúng cảm thấy kém cỏi. Do đó, thay vì so sánh tốt hơn, tệ hơn, bạn nên tìm những lời nhận xét tương đương nhau. Chẳng hạn, bạn có thể dành lời khen "hài hước" cho con lớn và "thông minh" cho con nhỏ. Điều đó sẽ giúp mỗi đứa trẻ có cơ hội phát triển, được là chính mình thay vì chạy theo những tiêu chuẩn của người khác.
Lấy ví dụ
Những ví dụ cho trẻ không cần quá phức tạp, đôi khi là những hành động, câu chuyện bạn tình cờ gặp trên đường. Điều quan trọng là bạn có thể nhận biết và liên hệ những gì bắt gặp với những điều đang dạy trẻ.
Ngoài ra, bạn chính là tấm gương để lấy ví dụ sát với thực tế nhất. Bạn có thể kể những trải nghiệm trong quá khứ và cách giải quyết hoặc thể hiện để trẻ thấy bạn là người quyết đoán và dám cất lên tiếng nói cá nhân. Việc này giúp trẻ thấy bố mẹ có thể vượt qua trở ngại, mang lại cho chúng niềm tin mình sẽ có khả năng tương tự.
Thanh Hằng (Theo Parents)