Theo các chuyên gia, 1/5 trẻ em trong độ tuổi đi học bị khuyết tật về khả năng học tập và chú ý. Sự chậm trễ trong việc phát triển các kỹ năng vận động có thể là dấu hiệu khuyết tật học tập. Nếu được phát hiện và can thiệp sớm, trẻ sẽ được hỗ trợ tốt hơn, bắt kịp sự phát triển về kỹ năng xã hội, học tập với bạn bè.
Để xác định trẻ có bị khuyết tật học tập hay không, bạn có thể xem xét và trả lời các câu hỏi dưới đây.
1. Có tối thiểu 200 từ vựng hay không?
Hầu hết trẻ 3 tuổi có thể đọc được các từ chỉ bộ phận cơ thể, đồ vật hàng ngày và các đại từ nhân xưng cơ bản như "bạn", "tôi". Trẻ em độ tuổi này cũng sẽ bắt đầu hỏi tại sao, biết sử dụng số nhiều. Các vấn đề về lời nói và ngôn ngữ thường là một trong những dấu hiệu đầu tiên của khuyết tật học tập, bởi não trẻ gặp khó khăn trong việc giải thích và sử dụng âm thanh hoặc ngôn ngữ.
Tiến sĩ Mark Griffin, chuyên gia giáo dục đặc biệt, cho biết khả năng nghe của trẻ được kiểm tra khi mới sinh và vào lúc 5 tuổi. Tuy nhiên, nếu lo lắng hoặc phát hiện bất thường, bạn có thể yêu cầu bác sĩ đánh giá thêm khi trẻ 2-3 tuổi.
2. Có thể nói tuổi của mình không?
Đến 36 tháng, trẻ nên được dạy khái niệm "bao nhiêu" và có thể giơ ngón tay khi được hỏi về tuổi. Các em có thể đếm đến 5 hoặc 10, trong đó một số số sẽ nhẩm được theo thứ tự. Ở tuổi lên 4, nhiều trẻ đếm được tới 20. Nếu gặp khó khăn với các số đếm, trẻ có thể mắc chứng rối loạn tính toán, một dạng khuyết tật học tập gây trở ngại trong việc hiểu ý nghĩa các con số và các mốc thời gian.
3. Có khả năng nhận mặt chữ không?
Ngay cả khi không hiểu nghĩa, trẻ trong độ tuổi 3-4 vẫn có thể nhận ra khoảng 10 chữ cái hay bắt gặp. Một số còn phát hiện ra những từ ngữ quen thuộc dù không hiểu nghĩa. Nếu con bạn chậm hơn bạn bè về việc nhận mặt chữ, đây có thể là dấu hiệu trong việc rối loạn xử lý ngôn ngữ hoặc mắc chứng khó đọc, một khuyết tật học tập gây khó khăn trong việc đọc, viết và đánh vần.
4. Có kém trưởng thành hơn bạn bè?
Theo nghiên cứu của Viện Y tế quốc gia, những đứa trẻ mắc ADHD (rối loạn tăng động giảm chú ý) chậm phát triển hơn khoảng 3 năm so với bạn bè cùng tuổi. Trẻ ADHD thường cảm thấy lo lắng, không biết điều chỉnh cảm xúc và phản xạ chậm với những vật cản.
Ngoài ra, kỹ năng cầm nắm, nhận diện số đếm, chữ viết của những trẻ này cũng chậm hơn bình thường. Nếu có những dấu hiệu trên, trẻ có thể mắc ADHD hoặc khuyết tật học tập.
5. Có cố gắng "đọc" không?
Khi được người lớn đọc truyện cho nghe, trẻ mẫu giáo có thể trả lời câu hỏi dựa vào hình minh họa, lật giở các trang để tìm hình phù hợp. Ở tuổi lên 4, dù không hiểu, trẻ vẫn có thể học thuộc lòng một số dòng trong trang sách yêu thích. Điều này có nghĩa rằng trẻ đang "đọc" dựa theo hình ảnh minh họa và chúng hiểu các ký hiệu (ở đây là chữ cái) trên sách có ý nghĩa gì. Nếu con bạn hoàn toàn không có kỹ năng này, bạn cần theo dõi trước khi nhờ các chuyên gia tâm lý, bác sĩ chuyên khoa can thiệp.
6. Cư xử trên bàn ăn ra sao?
Từ 3 đến 4 tuổi, hầu hết trẻ có thể cầm thìa bằng các ngón tay thay vì nắm chặt tay. Tương tự, trẻ độ tuổi này cũng có thể cầm bút chì màu hoặc bút dạ bằng ngón tay. Một đứa trẻ không làm được những điều này, việc ăn uống phức tạp vì trẻ không thể tự làm được điều gì, có thể bị chậm phát triển các kỹ năng vận động. Đôi khi, đây là dấu hiệu ban đầu của chứng rối loạn sinh học, một khuyết tật học tập gây khó khăn cho kỹ năng viết.
7. Có phớt lờ khi được người khác gọi tên?
Điều này có thể là biểu hiệu của sự thiếu hụt khả năng xử lý thính giác hoặc thị giác, dẫn đến việc hiểu và phản xạ âm thanh kém hiệu quả. Những thiếu hụt này có thể ảnh hưởng đến khả năng nói, trí nhớ suy giảm và không xác định được vị trí của các vật thể, con người trong không gian.
8. Có thể leo cầu thang không?
Giữ một đứa trẻ ngồi yên một chỗ là điều bất khả thi. Đến 3 tuổi, trẻ có thể dễ dàng đi lên và xuống cầu thang, nhảy nhót và tự đóng, mở cửa có tay nắm. Những trẻ không làm được điều này có thể bị chậm vận động.
9. Có thường xuyên chơi các trò tưởng tượng với bạn bè không?
Trong 3-4 tuổi, ngoài những trò chơi giả vờ, tưởng tượng (như chơi đồ hàng) với bạn bè, trẻ nên cùng bạn tham gia các trò chơi vận động đề rèn thể lực và sự linh hoạt. Nếu không thể chơi các trò vận động, bạn nên nói chuyện với bác sĩ xem liệu trẻ có thể chậm phát triển các kỹ năng xã hội hay không.
Thanh Hằng (Theo Parents)