Máy bay không người lái Yi Long của Trung Quốc được trưng bày tại Chu Hải, Quảng Đông, hôm 13/11 năm ngoái. Ảnh: AFP |
Việc tính tới phương án tiêu diệt mục tiêu ở nước ngoài cho thấy Bắc Kinh ngày càng có khả năng tiến hành chiến tranh trên không bằng máy bay không người lái. Tin này cũng báo trước nguy cơ hiện hữu về một cuộc chạy đua về máy bay không người lái toàn cầu.
Liu Yuejin, Giám đốc Cục chống ma túy Bộ Công an Trung Quốc nói với tờ Global Times hôm 18/2 về một kế hoạch ném bom tiêu diệt trùm ma túy Naw Kham, kẻ chủ mưu sát hại 13 thủy thủ Trung Quốc, tại khu trú ẩn của hắn trong vùng núi ở đông bắc Myanmar, trong đó có sử dụng một chiếc máy bay không người lái để kết thúc cuộc săn lùng.
Tuy nhiên, Trung Quốc cuối cùng quyết định bắt sống Naw Kham. Một chiến dịch phối hợp chung giữa Trung Quốc và Lào đã được tiến hành vào tháng 4/2012. Tuy nhiên phát biểu của ông ta cho thấy Trung Quốc đang cân nhắc mục tiêu giết người một cách nghiêm túc.
Peter Dutton, Giám đốc Viện nghiên cứu hàng hải Trung Quốc tại Đại học Chiến tranh Hải quân của Mỹ, cho rằng Bắc Kinh đang ngày càng muốn thể hiện sức mạnh của mình ra bên ngoài, từ bỏ chính sách không can thiệp trong quan hệ quốc tế trước đây.
“Đây là một sự thay đổi mới. Đây là một Trung Quốc hành động tích cực hơn trên trường quốc tế so với trước đây để bảo vệ các lợi ích của họ bên ngoài biên giới”, Dutton nhận xét.
Trước đây Trung Quốc chắc hẳn sẽ đòi hỏi những sự can thiệp như vậy “ xảy ra hoặc là trên lãnh hải quốc tế hoặc phải có sự tán thành của Liên Hợp Quốc”, ông Dutton nói.
Mập mờ pháp lý
Trong nhiều năm qua, Mỹ, Israel và Anh đã thống trị thị trường máy bay không người lái toàn cầu, và Mỹ được biết là đã phát động các cuộc tấn công vũ trang UAV chống lại các mục tiêu ở nước ngoài.
Tuy nhiên gần đây Trung Quốc đã cải thiện đáng kể công nghệ của mình, ra mắt một số lượng lớn của các mô hình máy bay không người lái mới tại các cuộc triển lãm hàng không gần đây và hiện đại hoá hệ thống định vị toàn cầu, Bắc Đẩu, của họ để cạnh tranh với Hệ thống định vị toàn cầu của Mỹ cũng như các đối thủ khác là Nga và EU.
Chính quyền Obama đã biện minh cho các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái ở Pakistan, Yemen và Somalia bằng cách tuyên bố rằng các chính phủ đó “không sẵn sàng hoặc không có khả năng ngăn chặn mối đe dọa do các cá nhân trở thành mục tiêu đó gây nên", theo một bản ghi nhớ bị tiết lộ từ Bộ Tư pháp. "Sách trắng" bị tiết lộ đã phác thảo ra các lập luận pháp lý cho việc sử dụng máy bay không người lái để tấn công và giết các công dân Mỹ ở nước ngoài, những người bị coi là khủng bố.
Giáo sư Stephen Vladeck thuộc trường Đại học Luật Mỹ nói rằng Washington cần phải cụ thể hơn về tiêu chí của mình đối với việc sử dụng máy bay không người lái có vũ trang, vì Trung Quốc và các nước khác đang chăm chú theo dõi.
“Một phần của vấn đề này là vì chính phủ Mỹ đang dính líu vào tình hình với quá nhiều vụ tấn công bằng máy bay không người lái, và không hoàn toàn sẵn sàng đưa ra tiêu chí mà họ áp dụng, có khả năng là các nước như Trung Quốc sẽ chỉ vào tấm gương của Mỹ và nói rằng ‘họ đang làm, chúng tôi cũng có thể”. Vladeck nói.
Tính phổ biến và nhu cầu
Một vấn đề khác là sự phổ biến và do nhu cầu tăng mạnh. Trong khi Mỹ có truyền thống chỉ xuất khẩu máy bay không người lái cho một số ít nước là đồng minh thân cận nhất, các công ty Trung Quốc giờ đây được coi là nhà cung cấp rẻ và ngày càng đáng tin cậy.
Hàng chục nước đã mua hoặc chế tạo ra những chiếc máy bay không người lái cho riêng mình, trước hết dùng cho trinh sát, và các nhà hoạch định chính sách quốc phòng coi máy bay không người lái vô cùng hiệu quả, cho cả nhiệm vụ trinh sát và phương tiện tấn công vũ trang.
“Vấn đề ở chỗ công nghệ này đang trở nên rất sẵn có và rất rẻ, cho nên tôi nghĩ rằng chỉ là vấn đề thời gian trước khi các nước với lực lượng quốc phòng nhỏ bé hơn nhiều, các nước có chế độ thiếu trách nhiệm cũng có thể sử dụng những công nghệ này nếu họ muốn”, Vladek nói.
Các nhà thầu quân sự Mỹ đang vận động hành lang để chính phủ nới lỏng các hạn chế xuất khẩu và khai thác thị trường nước ngoài cho máy bay không người lái.
Trong năm 2010, công ty General Atomics có trụ sở ở Mỹ đã được chuẩn y bán sớm các phiên bản máy bay không người lái Predator phi vũ trang cho Arab Saudi, Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), cùng với một số các quốc gia khác ở Trung Đông và Mỹ Latinh.
Là nước xuất khẩu nhiều nhất máy bay không người lái, Israel đã bán máy bay của mình cho nhiều nước, trong đó có Nigeria, Ấn Độ và Nga.
Căng thẳng khu vực
Một chiếc máy bay không người lái của Trung Quốc được trưng bày tại triển lãm hàng không hàng năm ở Chu Hải tháng 11 năm ngoái có tầm hoạt động 3.200 km, và quân đội Nhật Bản mới đây đã ghi nhận một chiếc phi cơ không người lái bay lượn gần một số tàu chiến của Trung Quốc trong một cuộc tập trận gần đảo Okinawa.
Với việc căng thẳng đang nóng lên giữa hai nước về các hòn đảo ở Hoa Đông, giới truyền thông Nhật Bản đã cho biết chính phủ mới ở Tokyo muốn mua một số máy bay không người lái tiên tiến giám sát ở độ cao Global Hawk của Mỹ. Trong khi cả hai bên đều nói rằng máy bay không người lái sẽ được dùng vào việc trinh sát, các chuyên gia cảnh báo việc mua thêm vũ khí là khá dễ dàng, và không loại trừ khả năng xảy ra các cuộc xung đột khu vực về máy bay không người lái.
Phạm Ngọc Uyển (theo AP)