Tsutomu Miyazaki sinh năm 1962 trong gia đình giàu có ở thị trấn Itsukaichi, Tokyo. Hắn bị tẩy chay khi học tiểu học do mắc dị tật bẩm sinh hiếm gặp khiến các khớp ngón tay dính vào nhau.
Vốn có thành tích tốt, điểm số của Miyazaki bắt đầu sa sút nghiêm trọng khi học cấp ba và chỉ có thể vào một trường cao đẳng kém tiếng ở địa phương, học ngành kỹ thuật ảnh. Hắn không muốn tiếp quản công việc kinh doanh của gia đình.
Sau khi bị bắt, Miyazaki nói rằng điều hắn thực sự khao khát là "được lắng nghe những vấn đề của mình" nhưng tin rằng bố mẹ lo nghĩ về vật chất hơn là tình cảm nên "sẽ không nghe thấy hoặc sẽ phớt lờ". Hắn thú nhận từng nghĩ đến việc tự tử. Miyazaki cảm thấy chỉ nhận được sự ủng hộ từ người ông nội thân thiết từ nhỏ, và bị hai em gái xa lánh.
Tháng 5/1988, ông nội qua đời, khiến chứng trầm cảm của Miyazaki trầm trọng hơn và càng thấy bị cô lập. Hắn đắm chìm trong bộ sưu tập phong phú các nội dung khiêu dâm, truyện tranh, hoạt hình và video kinh dị. Miyazaki từng tấn công mẹ khi bị yêu cầu dành nhiều thời gian làm việc hơn, ít xem băng video hơn.
Ngày 22/8/1988, một ngày sau sinh nhật lần thứ 26, Miyazaki dụ cô bé Mari Konno, 4 tuổi, đang chơi bên đường vào chiếc Nissan Langley màu đen, sau đó lái về phía Tây Tokyo và đỗ xe dưới gầm cầu, nơi rậm rạp cây cối. Ở đó, hắn sát hại và lạm dụng thi thể nạn nhân.
Miyazaki giữ quần áo của Mari, vứt xác xuống ngọn đồi gần nhà, nhưng trở lại sau đó vài ngày để mang một phần xương về cất trong tủ, phần còn lại hỏa thiêu rồi gửi cho gia đình Mari kèm ảnh chụp quần áo và một tấm bưu thiếp có dòng chữ: "Mari, xương, hỏa táng, điều tra, chứng minh".
Ngày 3/10/1988, Miyazaki phát hiện cô bé Masami Yoshizawa, 7 tuổi, khi đang lái xe dọc con đường vắng. Hắn đề nghị cho Masami đi nhờ rồi chở cô bé đến nơi từng gây án với Mari.
Hai tháng sau, ngày 12/12/1988, Miyazaki thấy Erika Namba, 4 tuổi, đi bộ về nhà. Hắn ép cô bé vào ôtô và lái đến một bãi đậu xe ở Naguri (tỉnh Saitama). Thi thể Erika được phát hiện ba ngày sau đó.
Ngày 20/12, gia đình Erika nhận được một tấm bưu thiếp do Miyazaki gửi với lời nhắn được ghép bằng những từ cắt ra từ tạp chí: "Erika, lạnh, ho, họng, nghỉ ngơi, chết".
Ngày 6/6/1989, Miyazaki thuyết phục Ayako Nomoto, 5 tuổi, cho phép chụp ảnh. Sau đó, hắn dẫn cô bé vào xe và sát hại. Lo sợ cảnh sát sẽ tìm thấy các bộ phận cơ thể, hai tuần sau, hắn quay lại nơi vứt xác để mang hài cốt về giấu trong tủ quần áo.
Chuỗi tội ác của Miyazaki chỉ dừng lại trong một lần "sảy chân" khi tìm kiếm nạn nhân thứ năm.
Ngày 23/7/1989, hắn nhìn thấy hai chị em đang chơi trong công viên ở Hachioji và tìm cách tách em gái khỏi chị. Hắn dụ dỗ bé gái cởi đồ, khi đang chụp ảnh thì bị người bố bắt gặp, tấn công nhưng hắn chạy thoát được. Ông bố báo cảnh sát.
Khi quay trở lại công viên để lấy xe, Miyazaki bị cảnh sát bắt. Khám xét ngôi nhà hai phòng của hắn, cảnh sát phát hiện một số xương người giấu trong tủ quần áo. Đồng thời, nhà chức trách tìm thấy 5.763 băng video, một số chứa phim hoạt hình và phim kinh dị về những kẻ giết người, xen kẽ trong số đó là video và hình ảnh của các nạn nhân.
Sau khi bị bắt, vào ngày 11/8, Miyazaki thú nhận giết Ayako và giúp cảnh sát tìm thấy hộp sọ của cô bé. Hắn tâm sự với cảnh sát sau bốn tuần thẩm vấn rằng giết các cô bé để "thực hiện những ảo tưởng về chứng ái tử thi".
Miyazaki được truyền thông mô tả là một kẻ cô độc sa đọa và mê máy ảnh, có sở thích xem nội dung khiêu dâm trẻ em và video giết người. Truyền thông đặt biệt danh cho hắn là "Sát thủ Otaku", ám chỉ văn hóa otaku, cụ thể là phim hoạt hình và phim kinh dị, đã khiến hắn trở thành kẻ sát nhân, từ đó tạo ra định kiến và lo ngại của công chúng về otaku. Nhiều tờ báo cho rằng Miyazaki đã thu mình vào thế giới truyện tranh giả tưởng do cảm giác bị bỏ rơi.
Cảnh sát phỏng đoán rằng Miyazaki có thể đã lấy cảm hứng từ Flowers of Blood and Flesh, một bộ phim kinh phí thấp của Nhật Bản, trong đó nhân vật chính bắt cóc một phụ nữ 20 tuổi rồi sát hại.
Phiên tòa xét xử Miyazaki bắt đầu vào ngày 30/3/1990. Giống như khi bị bắt, hắn vẫn tỏ ra thờ ơ, luôn giữ thái độ bình tĩnh trên tòa. Tuy nhiên, Miyazaki không nhận tội mà thường nói những điều vô nghĩa, đổ lỗi hành động của mình cho "Người Chuột", một bản ngã khác mà hắn nói đã buộc hắn phải giết người.
Phiên tòa kéo dài bảy năm tập trung vào trạng thái tinh thần của Miyazaki vào thời điểm xảy ra án mạng. Theo luật pháp Nhật Bản, những người có tâm trí không bình thường không phải chịu hình phạt và những người khuyết tật về nhận thức sẽ được giảm án.
Ba nhóm bác sĩ tâm thần chuyên nghiệp do tòa án chỉ định đưa ra những kết luận khác nhau về khả năng phân biệt đúng sai của Miyazaki. Một nhóm xác định hắn bị khuyết tật về nhận thức trong khi nhóm khác kết luận hắn bị tâm thần phân liệt, nhóm còn lại kết luận rằng hắn mắc chứng rối loạn đa nhân cách. Nhóm thứ ba cho rằng Miyazaki mắc chứng rối loạn nhân cách nhưng vẫn có khả năng chịu trách nhiệm về hành động của mình.
Tòa án quận Tokyo phán quyết Miyazaki nhận thức được mức độ nghiêm trọng và hậu quả của tội ác và do đó phải chịu trách nhiệm. Hắn bị kết án tử hình vào ngày 14/4/1997.
Bản án tử hình được giữ nguyên bởi cả Tòa án Cấp cao Tokyo vào ngày 28/6/2001 và Tòa án Tối cao vào ngày 17/1/2006. Miyazaki phản đối bản án, nói: "Một ngày nào đó tôi sẽ được chứng minh là vô tội".
Miyazaki bị treo cổ ngày 17/6/2008.
Trọng tâm tranh cãi phía sau vụ án là sự phổ biến của nội dung khiêu dâm bạo lực trong ngành công nghiệp truyện tranh và video khổng lồ của Nhật Bản. Cảnh sát Tokyo đã kêu gọi ban hành luật hạn chế trẻ vị thành niên tiếp cận những tài liệu như vậy.
Tờ báo Yomiuri viết trong một bài xã luận: "Các băng video và tạp chí tục tĩu đề cập đến nội dung kinh dị và bạo lực đang tràn ngập xã hội chúng ta. Tuy nhiên, sẽ là vội vàng khi kết luận rằng những băng video và tạp chí này là nguyên nhân gây ra tội ác".
Dù vậy, Yomiuri nói thêm rằng sự bùng nổ của các video máu me "không phải là một xu hướng xã hội lành mạnh" và cảnh báo về mối nguy hiểm rằng hư cấu và thực tế có thể bị nhầm lẫn "khi trạng thái tinh thần của một người bị lệch lạc".
Đọc thêm: Phim ảnh bạo lực ảnh hưởng thế nào đến tâm lý giới trẻ?
Tuệ Anh (Theo Yomiuri Shimbun, Japan Times)