Năm 2012, nước Mỹ bàng hoàng trước cuộc thảm sát tại buổi ra mắt bộ phim The Dark Knight Rises lúc nửa đêm ở Denver. James Holmes, 24 tuổi, đeo mặt nạ chống độc mô phỏng hình tượng nhân vật phản diện Bane của phần phim này, mặc áo chống đạn và xả súng vào khán giả. Hậu quả, 12 người chết và 58 người bị thương.
Trong hồ sơ cảnh sát, không ít vụ án có tình tiết hung thủ mô phỏng cách kẻ sát nhân trên phim thực hiện tội ác. Điều này đã làm dấy lên các cuộc tranh luận trong cộng đồng giới chuyên gia tâm thần học về tính ảnh hưởng của bạo lực trên phương tiện truyền thông với hành vi con người.
Nghiên cứu 37 vụ xả súng và tấn công trường học có chủ đích từ 1974 đến 2000 ở Mỹ, báo cáo năm 2002 của Cơ quan Mật vụ và Bộ Giáo dục cho hay hơn một nửa số kẻ tấn công "thể hiện sự hứng thú" với bạo lực qua phim ảnh, trò chơi điện tử, sách và các phương tiện truyền thông khác.
Nhiều nghiên cứu khẳng định có mối liên hệ giữa việc tiếp xúc với bạo lực trên các phương tiện truyền thông và suy nghĩ, cảm xúc, hành vi hung hăng hoặc bạo lực ở người xem. Những người trẻ tuổi có thể bị ảnh hưởng tiêu cực, gia tăng tính hung hăng ngay cả khi bối cảnh gia đình họ không có xu hướng bạo lực. Nhưng đối tượng dễ bị tác động nhất là trẻ em.
Theo nghiên cứu kéo dài bốn năm của Caroline Fitzpatrick, trợ lý Giáo sư Tâm lý học tại Đại học Sainte-Anne (Canada), trẻ em tiếp xúc nhiều với phim ảnh, trò chơi điện tử bạo lực sẽ có tâm lý chống đối xã hội hơn. Các hành vi biểu hiện bao gồm: nói dối, thiếu ăn năn, thiếu đồng cảm và thao túng người khác.
Học viện Tâm thần Trẻ em và Vị thành niên Mỹ (AACAP) chỉ ra, trẻ em và thiếu niên có thể chấp nhận bạo lực như một cách giải quyết vấn đề và bắt chước hành vi trên màn ảnh.
Trong các bộ phim bạo lực, nhân vật chính thường phô diễn sức mạnh qua rất nhiều cảnh hành động cực "gắt". Trẻ em tiếp xúc nhiều với loại nội dung này có thể nảy sinh nhận thức dị dạng về bạo lực và tần suất thực tế của nó trong đời thực. Điều này có thể tạo một ấn tượng rằng thế giới này quá nguy hiểm, đầy rẫy kẻ xấu. Những người có thế giới quan như vậy nhiều khả năng sẽ suy diễn một cử chỉ mơ hồ hay vô tình của người khác là hành vi thù địch nhắm vào mình. Bên cạnh đó, những cảnh bạo lực chân thực, thường xuyên lặp lại và không bị trừng phạt, có thể làm nảy sinh tâm lý bắt chước.
"Hiện thực bị bóp méo. Nếu bạn sống trong một thế giới hư cấu, thì thế giới hư cấu sẽ trở thành hiện thực của bạn", cựu giáo sư Tâm thần kinh lâm sàng tại Đại học Wayne State đồng thời là bác sĩ pháp y tâm thần có hơn 50 năm kinh nghiệm, nói với Psychiatric Times.
Nghiên cứu của nhà tâm lý học L. Rowell Huesmann, Leonard Eron và các cộng sự chỉ ra học sinh tiểu học xem nhiều phim ảnh, chương trình bạo lực, sẽ có xu hướng hung hăng hơn khi đến tuổi thanh thiếu niên.
Nếu gặp vấn đề về học tập, cảm xúc, hành vi hay kiểm soát xung động, trẻ em có thể dễ bị ảnh hưởng bởi bạo lực trên tivi hơn. Tác động của bạo lực có thể thể hiện ngay lập tức trong hành vi của trẻ hoặc xuất hiện nhiều năm sau đó.
Tuy nhiên, theo nhà tâm lý học Craig Anderson, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bạo lực tại Đại học Bang Iowa, việc tiếp xúc với phim ảnh bạo lực chỉ là một trong nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến hành vi hung hăng và bạo lực sau này, bên cạnh việc mang định kiến thù địch, thuộc cộng đồng thiểu số bị phân biệt đối xử, thiếu sự quan tâm của bố mẹ, từng bị bạo hành thể xác và bắt nạt. Hơn nữa, hành vi bạo lực cực đoan không bao giờ xảy ra khi chỉ có một yếu tố nguy cơ.
Tuệ Anh (APA, AACAP, Psychiatric Times)