Bà Đỗ Thị Thanh Huyền, giám đốc, người sáng lập Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Gaia (thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam) nhận định sạt lở ở miền Tây ngày càng nghiêm trọng và đưa giải pháp ứng phó.
- Bà có thể nêu rõ về mức độ nghiêm trọng của tình trạng sạt lở ở miền Tây hiện nay?
- Sau hạn mặn lịch sử đầu năm khiến cuộc sống của nhiều người dân điêu đứng, ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái, người dân miền Tây lại đối diện tình trạng sạt lở bờ sông, biển cao hơn hẳn những năm trước.
Các tỉnh Cà Mau, An Giang, Cần Thơ, Tiền Giang, Bến Tre từ đầu năm đến nay đều ghi nhận hàng chục điểm sạt lở tại mỗi tỉnh. Diễn biến sạt lở ngày càng bất thường, không chỉ xảy ra ở mùa mưa mà cả trong mùa khô cũng rất phức tạp. Hiện đồng bằng sông Cửu Long có trên 500 điểm sạt lở ven sông, biển, tổng chiều dài hơn 800 km. Mỗi năm, sạt lở làm mất khoảng 300 ha đất, rừng ngập mặn ven biển, hơn 19.000 hộ dân ven sông phải di dời khỏi vùng nguy hiểm. Năm nào xâm nhập mặn càng khốc liệt thì sạt lở nặng hơn.
- Vì sao hạn mặn càng khốc liệt thì tình trạng sạt lở ven sông, biển càng phức tạp?
- 2020 là năm hạn mặn lịch sử, hy vọng năm sau không nặng như thế nữa nhưng rõ ràng xu hướng xâm nhập mặn và sạt lở ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng nhiều hơn đến đời sống của người dân.
Đất ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long được phù sa bồi đắp hàng năm nên chứa thành phần hữu cơ rất cao, với nhiều lỗ bọng hay lỗ rỗng. Bình thường, các lỗ bọng này được lấp đầy bởi nước ngọt. Khi hạn mặn xảy ra, các lỗ bọng này không còn nước, trở nên rỗng và dễ sụp đổ. Thêm vào đó, những tác động như khai thác cát bừa bãi, khai thác nước ngầm quá mức, tàu bè đi lại trên sông... đều tạo ra những lực tác động vào bờ khiến sạt lở mạnh hơn.
Song, cả hai tình trạng hạn mặn và sạt lở đều có nguyên nhân đến từ sức ép về dân số, kinh tế và biến đổi khí hậu.
- Bà có thể chia sẻ kỹ hơn câu chuyện sức ép về dân số, kinh tế và biến đổi khí hậu đã dẫn đến xâm nhập mặn, sạt lở?
- Thứ nhất, trong chu trình khí hậu của trái đất, 2019 là năm chịu khí hậu El Nino, khô hạn và ít mưa. Ngay từ tháng 10/2019, lúc tổ chức hoạt động ở Vườn Quốc gia Tràm Chim, thấy mùa nước nổi với đỉnh lũ thấp nhất nhì trong lịch sử, tôi đã tiên đoán năm sau hạn mặn sẽ rất khốc liệt.
Thứ hai, trên thượng nguồn của sông Mekong, các nước Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia đã xây dựng hàng chục đập thủy điện, chặn nước lại. Khi lượng mưa ít, họ càng giữ nước, nên lượng nước ngọt đổ xuống hạ nguồn càng ít hơn. Khi nước ngọt ít hơn thì nước mặn chiếm ưu thế, tràn sâu vào trong đất liền, có những chỗ ngập sâu vào đất liền hơn 100 km. Sắp tới, các nước xây thêm đập thủy điện thì khu vực ĐBSCL càng bị tổn thương hơn.
Thứ ba, hiện nay ở ĐBSCL làm rất nhiều đê, những con đê này có nhiều mục đích, có những đoạn đê để ngăn mặn, nhưng rất nhiều con đê là để canh tác nông nghiệp và bảo vệ nhà cửa, vì người nông dân không muốn đến mùa nước nổi, nước ngập hết đồng, không trồng được lúa, hay hoa màu. Họ làm những con đê ngăn nước lũ. Việc này lợi bất cập hại, vì mùa nước nổi ở ĐBSCL rất quan trọng, nước nổi mang theo phù sa, tôm cá kéo vào trong nội đồng, làm vùng đất phì nhiêu hơn, tăng sản lượng cá tôm cho khu vực. Do bị ngăn lại bởi những con đê này, lượng nước thực sự thẩm thấu và bão hòa vào đất trong khu vực nội đồng đã không nhiều nên khi mùa khô đến, nước mặn tràn vào, đất ngấm nước mặn, nên hạn mặn càng khốc liệt hơn.
Thứ tư là do biến đổi khí hậu. Các nhà nghiên cứu đã đo được hiện nay, mỗi năm nước biển đều dâng lên khoảng 2-3 mm. Đến năm 2100, mực nước biển có thể dâng thêm 30-60 cm nếu khí nhà kính giảm mạnh và tình trạng ấm lên toàn cầu được kiểm soát. Trong trường hợp lượng khí thải tiếp tục cao, mực nước biển sẽ dâng lên 60-110 cm. Việt Nam là một trong 7 nước bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu.
Trong khi đó, các khu rừng phòng hộ ở vùng ven biển, rừng đặc dụng, rừng ngập mặn bị suy giảm về diện tích, chất lượng. Khi có rừng ngập mặn phòng hộ, rễ cây cùng với đất tạo thành quần thể vững chắc, giống như một tấm giáp hay lá chắn bảo vệ, hạn chế nước mặn xâm nhập nội đồng, giúp đất chặt chẽ hơn và không bị sạt lở.
- Vì sao rừng phòng hộ ở miền Tây lại giảm về diện tích, chất lượng?
- Ở Việt Nam, 59 tỉnh có rừng phòng hộ, nhưng câu chuyện về chất lượng rừng phòng hộ như thế nào là điều mà chúng ta phải bàn. Nói riêng tại các tỉnh miền Tây, rừng phòng hộ ngày càng giảm, không chỉ ở diện tích mà cả chất lượng vì bị khai thác, chuyển đổi sang các mục đích sử dụng khác như nuôi tôm, nuôi hải sản, chuyển thành khách sạn, khu du lịch, khu nghỉ dưỡng, làm đường, làm khu dân cư do dân số tăng. Rồi việc chặt cây, săn bắt động vật hoang dã cũng ảnh hưởng tới chất lượng rừng... Bên cạnh đó là các vụ cháy rừng, hầu như năm nào cũng xảy ra, do thiên tai, do người dân đốt rừng. Biến đổi khí hậu khiến thời tiết khô nóng cũng dễ khiến cháy xảy ra.
- Vậy giải pháp ứng phó xâm nhập mặn, sạt lở ở miền Tây là gì?
- Để đối phó với tình trạng xâm nhập mặn vào nội đồng, hay sạt lở ven sông biển cần có nhiều giải pháp. Các cấp khác nhau làm những việc khác nhau, có những việc phải dành cho các cơ quan quản lý cấp nhà nước mới làm được, có những việc thì mọi người dân cùng chung tay làm được. Có những giải pháp trước mắt và cũng có những giải pháp lâu dài.
Trong đó, trồng rừng là việc cần làm và mọi người đều có thể làm được. Cơ quan quản lý nhà nước có thể ra quyết định quy mô lớn về mục tiêu phải trồng thêm bao nhiêu diện tích che phủ rừng ở các tỉnh, quy hoạch cân đối giữa diện tích rừng sản xuất và rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Còn các doanh nghiệp, cá nhân có thể cùng nhau chung tay góp sức trồng rừng. Công việc trồng cây đòi hỏi lâu dài, bền bỉ và phải trồng nhiều thêm nữa. Không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới, các nhà khoa học đều công nhận trồng cây là giải pháp rất hiệu quả để cải thiện tình trạng biến đổi khí hậu và chất lượng không khí, từ đó cải thiện cuộc sống của chúng ta.
Năm 2017, tôi tham dự Hội nghị Bảo tồn Đa dạng Sinh học quốc tế tại Colombia, hơn 3.500 nhà khoa học tham gia Hội nghị đều thống nhất rằng trồng rừng là một giải pháp mà chúng ta cần làm và phải làm ngay, càng nhanh càng tốt. Thời điểm trồng rừng tốt nhất là từ trước đây lâu lắm rồi nhưng việc trồng rừng bây giờ chưa phải là quá muộn. Đây là một giải pháp hiệu quả của chúng ta.
Thời gian qua, có nhiều cơ quan, đơn vị đã tổ chức các hoạt động trồng cây, phủ xanh nhiều diện tích đất, rừng. Đây là tín hiệu đáng mừng. Mới đây nhất có chiến dịch "Lấm bẩn vì màn chắn xanh Việt Nam" triển khai ở một số địa phương, trong đó có khu vực miền Tây. Chương trình này không chỉ góp phần phủ xanh Việt Nam mà còn nhằm tạo ra thay đổi tích cực về nhận thức của người dân, để mọi người hiểu về tác dụng của cây xanh với trái đất, tầm quan trọng của trồng cây gây rừng. Điều này góp phần tạo ra sự thay đổi tư duy, nhận thức cho cả một thế hệ, để biết cách trân trọng và ứng xử thân thiện với thiên nhiên. Tôi mong có nhiều chương trình trồng rừng như vậy để cả xã hội chung tay bảo vệ môi trường sống của chúng ta.
Hoàng Anh