Đoạn đê sạt lở tại ấp Phước Lý Nhì, xã Quới Thiện, trưa 20/4, ăn sâu vào đất liền 10-15 m, hiện chưa có dấu hiệu dừng lại.
"Vụ sạt lở không gây thương vong nhưng khiến nước tràn vào bên trong gây ngập hơn 17 ha vườn cây ăn trái, đe doạ 8 hộ dân", ông Phạm Minh Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Vũng Liêm nói và cho biết nhiều khả năng do tuyến đê bao này nằm dọc đoạn sông cong (bên lở) tạo nên dòng xoáy, gây mất đất và lún sụp.
Chính quyền địa phương đang huy động phương tiện, lực lượng gia cố tạm thời đoạn đê bị sạt lở, bảo vệ nhà cửa và hoa màu của người dân. Do tuyến đê bao này bị sạt lở kéo dài nhiều năm qua nên để đảm bảo an toàn, UBND huyện Vũng Liêm sẽ xin chủ trương đầu tư sửa chữa, nâng cấp và di dời vào bên trong với tổng chiều dài khoảng 200 m.
Cồn Thanh Long nằm giữa sông Cổ Chiên, trước đây rộng khoảng 50 ha. Từ năm 2016 đến nay, cồn nhiều lần bị sạt lở, chỉ còn 39 ha. Cuối năm trước trên dòng sông này ở khu vực ở xã Hoà Ninh, huyện Long Hồ, cũng xảy ra sụt lún làm 13 nhà dân và hàng chục ha vườn cây ao cá trôi xuống nước.
Tình trạng xói mòn bờ sông khá phổ biến ở Đồng bằng sông Cửu Long rộng 39.734 km2, chiếm 12% diện tích cả nước. Từ năm 1992, sạt lở ngày càng gia tăng, mỗi năm khu vực mất 300-600 ha đất. Một trong những nguyên nhân dẫn tới sạt lở do khai thác cát quá mức làm dòng chảy của sông thay đổi.
An Bình