Sáng 6/12, ông Nguyễn Hoàng Nguyên, Chủ tịch UBND xã Hòa Ninh, cho biết vụ sạt lở tại ấp Bình Thuận 1 bắt đầu từ chiều qua, đang diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu dừng lại.
"Hiện trường vụ xói mòn dài khoảng 500 m, ăn sâu vào bờ 250-300 m", ông Nguyên nói và cho biết địa phương đã huy động lực lượng sơ tán gần 20 hộ dân (trong đó có 13 hộ mất nhà) ở khu vực này vào nơi an toàn, ở nhờ nhà người dân, trú tạm tại nhà văn hoá xã.
Nhiều người dân địa phương cho biết, trong khoảng hai tiếng, hàng loạt ngôi nhà cùng dãy đất trồng cây ăn trái hàng chục ha lần lượt bị cuốn xuống sông. "Chúng tôi đứng nhìn tài sản của mình gầy dựng bấy lâu nay bị 'hà bá' lấy đi mà không thể làm gì ngăn lại được", ông Nguyễn Văn Thảo nói.
Hiện, ngành chức năng địa phương bố trí lực lượng, theo dõi diễn biến sự việc, không cho người dân vào khu vực nguy hiểm, thống kê thiệt hại.
Sông Cổ Chiên là một nhánh của sông Tiền, dài 82 km, bắt đầu từ thành phố Vĩnh Long, chảy ra Biển Đông. Con sông này là ranh giới tự nhiên giữa các tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh và Bến Tre.
Tình trạng xói mòn bờ sông khá phổ biến ở Đồng bằng sông Cửu Long rộng 39.734 km2, chiếm 12% diện tích cả nước. Từ năm 1992, sạt lở ngày càng gia tăng, mỗi năm khu vực mất 300-600 ha đất. Một trong những nguyên nhân dẫn tới sạt lở do khai thác cát quá mức làm dòng chảy của sông thay đổi.
Từ năm 2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp các bộ ngành trình Chính phủ, Quốc hội hỗ trợ các tỉnh, thành miền Tây hơn 6.600 tỷ đồng để xử lý sạt lở, góp phần ổn định dân sinh, vùng ven sông, ven biển...
Cửu Long