Từ khi đặt chân xuống thành phố Hàng Châu, Trung Quốc hôm 3/9 cho đến khi dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Lào hôm 6/9, Tổng thống Mỹ Obama phải đối mặt với những thách thức về chính sách của mình.
Tổng thống Nga Putin khiến chính quyền Obama "trắng tay" sau những cuộc đàm phán căng thẳng về một thỏa thuận để giảm thiểu bạo lực ở Syria. Triều Tiên vẫn tiếp tục tiến hành những cuộc phóng thử tên lửa đạn đạo. Hôm 6/9, các quan chức Mỹ cáo buộc Iran có hành động khiêu khích đối với một tàu hải quân Mỹ ở vùng vịnh Persia.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tối 6/9 đưa ra những lời lẽ xúc phạm ông Obama, khiến ông chủ Nhà Trắng hủy bỏ cuộc gặp mặt song phương. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan bất ngờ đưa ra nhận xét tích cực về mối quan hệ với Mỹ, nhưng đồng thời cũng để lại thách thức đối với vấn đề người Mỹ hậu thuẫn người Kurd tại Syria. Mỹ coi người Kurd là nhân tố quan trọng trong chính sách chống nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) nhưng Thổ Nhĩ Kỳ lại chiến đấu chống lực lượng này.
Mặc dù Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có cuộc gặp song phương với Tổng thống Mỹ Obama và đồng ý hợp tác với Mỹ về vấn đề biến đổi khí hậu, hai bên vẫn còn những vấn đề lớn ở khu vực chưa được giải quyết.
Richard Haass, chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, trung tâm nghiên cứu có trụ sở tại Mỹ, cho rằng hầu hết những sự kiện này "là những phát triển mới nhất của những khác biệt đã kéo dài".
"Chúng đều là những biểu hiện của điều mà tôi mô tả là thế giới trong tình trạng hỗn loạn", ông nói.
Dấu ấn
Theo WSJ, nỗ lực của chính quyền Obama trong việc chuyển trọng tâm ngoại giao và quân sự của Mỹ đến châu Á đã đạt được những dấu ấn nhất định. Mỹ đã đưa thêm lính, tàu, máy bay đến khu vực và tăng nguồn vốn cung cấp cho hoạt động quân sự. Mỹ đạt được hai tiến bộ quan trọng là thỏa thuận quân sự giữa Mỹ và Philippines và quyết định dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam năm nay.
"Chính quyền Obama đã thành công trong việc làm sâu sắc hơn mối quan hệ với các nước đồng minh, đáng chú ý nhất là Nhật Bản, Australia và Philippines và đẩy mạnh mối quan hệ với các đối tác mới như Việt Nam và Ấn Độ", ông Michael Mazza, một chuyên gia nghiên cứu chính sách quốc phòng và đối ngoại tại Viện Doanh nghiệp Mỹ có trụ sở tại Washington, nói. Ông gọi đây là những bước quan trọng trong việc duy trì sự cân bằng sức mạnh.
Tuy nhiên, các biện pháp mà Mỹ đưa ra chưa đủ để khiến Trung Quốc chùn bước, khi nước này vẫn có những hành động rất quyết liệt trong khu vực. "Còn quá sớm để gọi chính sách tái cân bằng là một thất bại, nhưng khi châu Á đang trên bờ vực của khủng hoảng trong vài năm nay, chúng ta không thể gọi đó là một thành công", ông Mazza nói.
Với khoản đầu tư ở Đông Nam Á và sự hiện diện quân sự ở quy mô lớn của Mỹ, "Trung Quốc mới là bên cố gắng cạnh tranh với sự ảnh hưởng của Mỹ ở ngay sân nhà của họ, chứ không phải ngược lại", ông Ian Storey, một chuyên gia về Đông Nam Á tại Viện nghiên cứu chính sách ISEAS - Yusof Ishak có trụ sở tại Singapore, nhận xét.
"Không thể nói rằng các quốc gia Đông Nam Á không mong muốn thu hút nguồn vốn từ Trung Quốc", ông nói thêm. "Nhưng khi anh muốn dùng sức ảnh hưởng để lấn lướt về vấn đề Biển Đông, thì tôi nghĩ rằng tiền không thể giải quyết mọi việc".
Vẫn có những điểm sáng trong chuyến đi của ông Obama tuần này. Tại Trung Quốc, ông Obama và ông Tập cùng tuyên bố những bước đi mới để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Mỹ cũng cam kết sẽ tăng gấp đôi số tiền viện trợ cho Lào nhằm giúp loại bỏ bom mìn còn sót lại sau chiến tranh Việt Nam.
Tuy nhiên, khi ông Obama sắp kết thúc nhiệm kỳ, có thêm nhiều lo ngại rằng Mỹ đang mất khả năng định hình sự kiện ở châu Á. "Có một sự thay đổi quyền lực lớn đang diễn ra", Bilveer Singh, chuyên gia về vấn đề quan hệ quốc tế tại Đại học Quốc gia Singapore, nhận xét. "Về cơ bản, chúng tôi đang nói về sự trỗi dậy của Trung Quốc và sự yếu đi của Mỹ".
Ông Obama đã viếng thăm châu Á 11 lần kể từ khi nhậm chức vào năm 2009, trong đó có hai lần đến Myanmar và ông là tổng thống Mỹ đầu tiên đến thăm Lào.
Những cố vấn của Tổng thống Mỹ nói rằng cách tiếp cận của ông đã đem lại cho Washington tầm ảnh hưởng nhiều hơn, chứ không phải ít đi, tại khu vực châu Á. "Ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã gia tăng. Chúng ta đã vượt qua những thiệt hại của Mỹ tại chiến trường Iraq hay khủng hoảng kinh tế thế giới", Ben Rhodes, phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, cho biết.
Ông Rhodes thừa nhận Trung Quốc và các nước khác đang trỗi dậy, nhưng nhấn mạnh rằng "chúng tôi tập trung vào việc tăng cường thể chế, chuẩn mực quốc tế và hợp tác toàn cầu theo những cách giúp mở rộng sự lãnh đạo của Mỹ".
Những vấn đề còn tồn tại
Dù vậy, vào thời điểm các nhà lãnh đạo thế giới tham dự hội nghị G20 tại Trung Quốc, Triều Tiên vẫn tiếp tục phóng thử tên lửa ra biển Nhật Bản. Động thái này nhấn mạnh lý do tại sao các nhà lãnh đạo thế giới cho rằng vấn đề Triều Tiên là một trong những thách thức lớn nhất đối với chính sách đối ngoại của người kế nhiệm ông Obama.
Các mối đe dọa từ Bình Nhưỡng không ngừng tăng lên trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của ông Obama. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã tuyên bố sẽ tiếp tục rót nguồn lực vào chương trình vũ khí hạt nhân. Nhà Trắng không mong đợi có bất kỳ sự tiến triển đáng kể trong vấn đề này trước thời điểm ông Obama rời Nhà Trắng.
Ông Obama đã tạo sức ép về vấn đề Bình Nhưỡng đối với Bắc Kinh, và Bắc Kinh đã đồng ý sẽ hỗ trợ những biện pháp trừng phạt đối với Bình Nhưỡng. Nhưng các quan chức Mỹ muốn Trung Quốc có vai trò mạnh mẽ hơn nữa.
Đây chỉ là một điểm trong những vấn đề căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc. Hai nước đang tồn tại những quan điểm khác nhau trên nhiều vấn đề như Biển Đông, kinh tế, nhân quyền và an ninh mạng.
WSJ nhận xét các quan chức Trung Quốc đã đưa ra những thách thức với chính quyền Mỹ trong suốt chuyến thăm ba ngày của ông Obama.
Khi chuyên cơ Air Force One hạ cánh ở tại sân bay tại thành phố Hàng Châu, ông Obama xuống máy bay bằng thang thường chứ không phải thang trải thảm đỏ. Các quan chức Trung Quốc lời qua tiếng lại với nhân viên Nhà Trắng vì sự hiện diện của phóng viên ở đường băng. Quan chức Trung Quốc còn từ chối cho đội ngũ báo chí tháp tùng tổng thống đi cùng với đoàn xe của ông Obama.
Cả hai nước đều cho rằng không nên thổi phồng những sự cố này, nhưng những căng thẳng này có thể dẫn đến suy nghĩ rằng Trung Quốc ngày càng có những bước đi thách thức Mỹ.
Những rắc rối đối với Philippines càng cho thấy người kế nhiệm ông Obama sẽ phải đối mặt với những sự cố ngoại giao khó đoán như thế nào. Ông Duterte sau đó bày tỏ sự hối tiếc vì bình luận của mình. Một quan chức Nhà Trắng cho biết hai nhà lãnh đạo đã nói chuyện trước tiệc tối của hội nghị các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại thủ đô Vientiane, Lào vào hôm 7/9.
Bộ trưởng Lao động Philippines Silvestre Bello cho rằng ông Duterte có thể đã không ngần ngại đưa ra lời thóa mạ vì biết rằng ông Obama sẽ hết nhiệm kỳ vào tháng 1/2017. Đối với ông Dutert, "thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với một tổng thống sắp hết nhiệm kỳ" không phải là ưu tiên cao, ông Bello nói.
Xem thêm: 4 ngày công du châu Á đầy trắc trở của Obama
Dụng ý của ông Tập trong cuộc trà đêm với Obama
Trọng Nghĩa