Tại cuộc họp triển khai gói hỗ trợ thuê nhà chiều 11/8, lãnh đạo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết sau gần năm tháng, 60 tỉnh thành đã thẩm định, phê duyệt hỗ trợ cho hơn 1,9 triệu lao động với kinh phí 1.230 tỷ đồng. Thực tế địa phương mới giải ngân hơn 728 tỷ đồng cho hơn một triệu lao động. Hạn cuối để doanh nghiệp nộp hồ sơ là 15/8 và tới cuối tháng 8 phải hoàn tất chi trả.
Các địa phương giải ngân cao nhất là Bình Dương 84,8 tỷ đồng (phê duyệt hơn 503 tỷ); Đồng Nai gần 175 tỷ đồng (phê duyệt gần 219 tỷ); TP HCM 126 tỷ đồng (phê duyệt 181 tỷ đồng).
Các tỉnh thành giải ngân chậm nhất là Hải Phòng 232 triệu đồng (0,2%); An Giang 72,5 triệu đồng (0,08%). Địa phương giải ngân dưới 1% có Quảng Ngãi, Nghệ An, Vĩnh Long, Thanh Hóa.... Một số nơi dự kiến người thụ hưởng lớn nhưng giải ngân rất thấp, như Bắc Ninh, Kiên Giang, Long An.
Hai tỉnh Lai Châu, Điện Biên không có người lao động thuộc nhóm thụ hưởng và Cao Bằng báo cáo không có doanh nghiệp đề nghị hỗ trợ.
Theo Thứ trưởng Lê Văn Thanh, trình tự, thủ tục giải ngân đã đơn giản hết mức, chỉ cần một tờ đơn đề nghị của người lao động, song ở một số nơi, chính quyền, doanh nghiệp vẫn yêu cầu thêm vài ba loại giấy tờ khiến hồ sơ chậm trễ. Hầu hết doanh nghiệp muốn gộp 3 tháng vào làm thủ tục một lần nên gói triển khai từ tháng 4 song tới tháng 7 mới làm thủ tục đề nghị hỗ trợ cho lao động.
"Nếu các địa phương làm hết trách nhiệm, tốc độ giải ngân sẽ nhanh", ông Thanh nói, kỳ vọng tới 20/8 sẽ hoàn thành. Bởi Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã xác nhận hơn 3 triệu hồ sơ trong số 3,4 triệu người thụ hưởng.
Chủ trì hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói gói hỗ trợ tiền thuê nhà được đánh giá nhân văn, cần thiết, lao động khát khao chờ đợi, nhưng triển khai rất chậm so với nhu cầu của người lao động cũng như tốc độ phục hồi kinh tế.
Dẫn số liệu báo cáo tại hội nghị ở TP HCM sáng nay, ông Dung cho hay lương bình quân của công nhân dệt may 6,8 triệu đồng, trong khi lao động thuê nhà tại khu công nghiệp thấp nhất cũng hơn một triệu mỗi tháng. Tiền trọ chiếm tới 20% thu nhập của lao động, trong khi hai năm dịch khó khăn chồng chất, chưa tính con cái, học hành, điện nước, sinh hoạt.
Gọi trao đổi với bốn lãnh đạo địa phương trước cuộc họp, ông Dung thấy có tỉnh cuối tháng 7 giải ngân được 4,3%, có tỉnh trên 5% và sau một tháng vẫn "dậm chân tại chỗ". Trong khi đó ngân sách đã chi về từng tỉnh và địa phương cuối cùng nhận tiền là ngày 17/7.
"Thủ tướng hầu như ngày nào cũng đôn đốc chuyện này, thậm chí yêu cầu điểm mặt chỉ tên từng đơn vị làm tốt, công khai nơi nào chậm triển khai. Tôi biết nhiều địa phương băn khoăn về rủi ro trong chi trả, nhưng không thể vì thế mà chậm trễ, thậm chí cố tình chậm là không chấp nhận được", ông nói.
Cuối tháng 3, Chính phủ thông qua chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho lao động với mức 1,5-3 triệu đồng mỗi người, tối đa ba tháng. Hai nhóm thụ hưởng gồm người có hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm xã hội đang làm việc trong doanh nghiệp và người quay lại thị trường lao động. Gói hỗ trợ nhằm kéo lao động quay lại doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường đứt gãy, các nhà máy thiếu nhân lực sau Tết Nguyên đán. Nhiều người về quê và dự tính không trở lại thành phố.
Một tuần trước, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thống kê còn 29 tỉnh thành chưa giải ngân hỗ trợ. Chính phủ đã nhiều lần đôn đốc các nơi đẩy nhanh tốc độ chi tiền, yêu cầu hoàn thành trong tháng 8.
Hồng Chiêu