Phát biểu tại cuộc họp tổng kết ngành cuối năm 2013, lãnh đạo Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết vấn đề tái cơ cấu lại toàn bộ thị trường viễn thông lúc này khá gấp. Trong số các nhà mạng Việt Nam hiện nay đã có đơn vị tê liệt hoàn toàn, doanh nghiệp khác thì nằm trong tình trạng nguy kịch, có thể mất khả năng trả nợ. Tái cơ cấu được kỳ vọng thổi luồng gió mới cho thị trường, đồng thời đảm bảo lộ trình quy hoạch viễn thông quốc gia đến năm 2020.
Trọng tâm của kế hoạch tái cớ cấu, theo lãnh đạo Cục, là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) - đơn vị nhiều tuổi nhất thị trường, với bộ máy khá cồng kềnh. "Trên cơ sở tái cơ cấu VNPT, sẽ áp dụng với toàn bộ thị trường", lãnh đạo Cục Viễn thông nêu quan điểm. Đề án đang được Cục soạn thảo và trình Chính phủ phê duyệt.
Vấn đề được quan tâm nhất trong bản đề án nêu trên là cơ chế đối với hai mạng di động Vinaphone, Mobifone (hai doanh nghiệp chủ lực của tập đoàn). Đây cũng là vướng mắc khiến đến thời điểm này đề án vẫn chưa được phê duyệt. Phía VNPT đã đề nghị không cổ phần hóa Mobifone mà thực hiện với toàn bộ tập đoàn cùng các công ty chủ lực sau năm 2015. Doanh nghiệp chủ trương hợp nhất hai mạng Mobifone và Vinaphone vào làm một, dưới cái tên VNPT-Mobile.
Tuy nhiên, điều này không phù hợp với Nghị định 25 (hướng dẫn thi hành Luật Viễn thông) và Quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến năm 2020 do Thủ tướng phê duyệt. Cụ thể là tái cơ cấu thị trường trên cơ sở tổ chức lại các doanh nghiệp viễn thông, đặc biệt là những đơn vị nhà nước hoạt động không hiệu quả nhằm hình thành 3-4 tập đoàn, tổng công ty mạnh.
Như vậy VNPT sẽ phải chia tay Vinaphone hoặc Mobifone. Phương án tách Mobifone khỏi VNPT và đưa về Bộ được xem là tốt nhất lúc này, đồng thời là lựa chọn của cơ quản chủ quản. Nhà mạng đầu tiên của Việt Nam được đánh giá tốt, có nhiều kinh nghiệm tổ chức kinh doanh, là thương hiệu mạnh, có giá trị và hấp dẫn nhà đầu tư nhất trong số các thành viên của VNPT. Khi tách ra vẫn đảm bảo hoạt động, tuy nhiên sẽ khiến VNPT gặp không ít khó khăn do Mobifone đang là đơn vị chiếm đa phần doanh thu và lợi nhuận hàng năm cho doanh nghiệp mẹ.
Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) Mai Liêm Trực, cổ phần hóa Mobifone là bước đi đúng đắn để hình thành thị trường "cạnh tranh thực sự cả về năng suất lẫn chất lượng". Với 3 "đại gia" Viettel, Mobifone, Vinaphone nắm hơn 90% thị trường đều là các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, ông Trực ví đây như một gia đình cho 3 con ra ăn riêng, ở riêng nên chưa thực sự là cạnh tranh.
Do đó, nguyên lãnh đạo cơ quan đầu ngành cho rằng tốt nhất chỉ có một doanh nghiệp nhà nước, số còn lại đem cổ phần hóa cho tư nhân hoặc nước ngoài. "Chỉ cần cho đơn vị khác nắm 30-40% cổ phần là mọi chuyện sẽ khác ngay", ông nói.
Tại hội nghị triển khai kế hoạch năm 2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông mới đây, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định một trong những nhiệm vụ quan trọng của Bộ Thông tin và Truyền thông trong năm 2014 là thực hiện triển khai đề án tái cơ cấu VNPT. "Việc này không phải là để cho Bộ, không phải cho riêng VNPT mà để cho thị trường viễn thông của Việt Nam phát triển mạnh lên và bền vững, trước hết bản thân VNPT cũng có động lực đẩy mạnh", ông nhấn mạnh
Tuy nhiên, có chuyên gia cho rằng thời điểm thích hợp để triển khai đã trôi qua từ 2 năm trước. Trao đổi với VnExpress, ông Phạm Tiến Thịnh, nguyên Giám đốc điều hành S-Telecom (S-Fone) cho rằng năm 2011 là lúc các mạng nhỏ vẫn còn năng lực cạnh tranh, nếu tái cấu trúc sẽ hình thành thế cục lành mạnh hơn. "Khi đó 3G vừa ra, có cạnh tranh lành mạnh thì không đến nỗi người tiêu dùng phải thấy giá 'sốc' như bây giờ", vị này cho biết.
Ông cũng nhận định thị trường bây giờ quá bão hòa. Khoảng 2, 3 năm trước thì còn cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài hoặc tư nhân. Còn đến lúc này mọi sự đã muộn, các doanh nghiệp ngoại không dám chen chân vào nữa. Sự thất bại của SK Telecom (Hàn Quốc), VimpelCom (Nga) là minh chứng rõ ràng nhất cho tính khắc nghiệt của thị trường "không ưa của ngoại". Tập đoàn Hutchison (Hong Kong, Trung Quốc), đơn vị duy nhất còn bám được thị trường chưa thể vươn mình thành "ông lớn", vẫn dưới cái bóng của nhóm thống lĩnh Viettel-Mobifone-Vinaphone.
Theo ông Phạm Tiến Thịnh, tái cấu trúc sẽ có ít doanh nghiệp trên một sân chơi hơn, dễ tạo cảnh bắt tay nhau cùng khống chế thị trường. Do đó, tái cấu trúc cần hình thành một đơn vị quản lý độc lập. Đây sẽ là nhóm đại diện của người tiêu dùng, nhà mạng, cơ quan chủ quản... Có vậy tiếng nói của khách hàng mới đến được với đơn vị quản lý, doanh nghiệp để điều chỉnh, làm hài hòa lợi ích các bên.
Anh Quân