Nội dung rất dễ hiểu: cổ phiếu X sắp tăng mạnh, đây là cơ hội hiếm có để kiếm lời. Bạn lướt qua rồi xóa đi, vì những thứ như vậy đầy rẫy trên mạng. Nhưng điều bất ngờ xảy ra. Một tuần sau, cổ phiếu X thực sự tăng vọt, đúng như dự báo.
Tuần tiếp theo, bạn lại nhận được email mới, lần này là một lời khuyên khác: cổ phiếu Y sẽ rớt giá. Và như có phép màu, cổ phiếu ấy lao dốc thảm hại. Sáu tuần liên tiếp, các dự đoán gửi đến đều chính xác tuyệt đối. Từ hoài nghi, bạn chuyển sang thán phục, rồi tin tưởng. Một kẻ có khả năng "nhìn thấu thị trường" như vậy chắc chắn không thể là người thường.
Đến tuần thứ bảy, bạn quyết định thử. Một khoản tiền nhỏ được đầu tư theo lời khuyên, và bạn thắng. Cảm giác tiếc nuối trỗi dậy: giá như tin sớm hơn, giờ đây ta đã có khoản lợi nhuận đáng kể. Tuần thứ tám, bạn mạnh dạn đầu tư nhiều hơn và lại thắng. Bây giờ, lòng tin của bạn đã gần như tuyệt đối. Bạn tin mình đang nắm trong tay "chén thánh" của giới đầu tư, và những viễn cảnh trong mơ bắt đầu xuất hiện: nhà rộng, xe sang và một tương lai không còn lo nghĩ. Những email "phím hàng" có thể tiếp tục đưa bạn bay cao thêm vài lần nữa.
Rồi một lời mời dự tiệc tri ân được gửi đến. Bữa tiệc xa hoa được tổ chức trong không khí thân mật. Bạn gặp gỡ những người giống mình: các nhà đầu tư may mắn, thắng lớn liên tiếp, tràn đầy niềm tin về cơ hội đổi đời. Những câu chuyện "chiến thắng ngoạn mục" được kể lại một cách chân thực, tự nhiên đến mức bạn chẳng còn chút nghi ngờ nào. Và khi ban tổ chức giới thiệu về "cơ hội đầu tư đột phá" tiếp theo - nơi họ chỉ mời những nhà đầu tư xuất sắc - bạn lập tức bị cuốn theo. Có một điều kiện nhỏ: số tiền tối thiểu để tham gia lần này sẽ lớn hơn nhiều. Nhưng nhìn quanh, bạn thấy ai cũng hào hứng. Bạn tự nhủ: "Họ chắc chắn nắm giữ một bí mật nào đó mà mình không biết".
Chính ở khoảnh khắc ấy, bẫy khép lại. Đó là bài học kinh điển trong lừa đảo được đặt tên "môi giới Baltimore", dựa trên câu chuyện có thật từng xảy ra ở Mỹ.
Bạn trở thành nạn nhân cuối cùng của một trò chơi được sắp đặt kỹ lưỡng. Những kẻ tự xưng là "chuyên gia" kia gửi dự đoán cho hàng nghìn người, chia đôi số lượng: một nửa nhận được dự báo cổ phiếu tăng, một nửa nhận dự báo cổ phiếu giảm. Sau mỗi tuần, chúng chỉ tiếp tục liên hệ với nhóm có dự báo đúng. Và cứ thế, sau nhiều tuần, chỉ còn lại một nhóm nhỏ những người "may mắn", trong đó có bạn.
Chiến thắng ban đầu không phải là thành quả của sự siêu phàm nào cả. Đó chỉ là một phép toán đơn giản nhưng đủ để đánh lừa tâm lý con người. Bởi khi đã trải qua nhiều lần "thành công", bạn không còn nghi ngờ nữa. Bạn rơi vào cái bẫy của sự tự tin thái quá - rằng mình thực sự hiểu cuộc chơi và đang làm chủ kết quả.
Những người có học thức và khả năng phân tích lại càng dễ sập bẫy. Vì những kẻ lừa đảo đánh trúng vào điểm yếu tâm lý lớn nhất của họ: niềm tin vào bản thân. Người càng giỏi giang càng dễ tin quyết định của mình là đúng đắn. Những chiến thắng nhỏ ban đầu củng cố niềm tin ấy. Trong tâm trí họ, thành công không còn là may mắn mà là thành quả của năng lực "chọn đúng người" để tin tưởng. Từ đó, ảo tưởng kiểm soát hình thành. Chúng ta có xu hướng tin vào điều mình muốn, sợ bỏ lỡ cơ hội, và bị lấn át bởi những "thành công" đã diễn ra.
Những kẻ lừa đảo hiểu rõ điều này. Chúng khéo léo tạo ra một sân khấu hoàn hảo để lừa nạn nhân: từ con số lợi nhuận "đẹp như mơ," đến những bữa tiệc tri ân, những lời chúc tụng ngọt ngào và hình ảnh về cuộc sống xa hoa. Tất cả đều được dàn dựng tinh vi để kích thích cảm xúc, khiến bạn quên mất điều quan trọng: thị trường là vô định và không ai có thể "nhìn thấu" nó.
Vì con người là sản phẩm của cảm xúc, nên một khi cảm xúc bị điều khiển, lý trí dễ dàng bị đánh bại.
Vụ lừa đảo ngoại hối của TikToker Mr Pips là một ví dụ điển hình. Ban đầu, nạn nhân được mớm để thắng nhỏ, rút tiền dễ dàng. Những video siêu xe, biệt thự, những bữa tiệc được bày ra như một minh chứng rõ ràng cho thành công "có thật". Nhưng đằng sau đó là sân khấu ảo: thuật toán bị can thiệp, các giao dịch được dàn dựng và con số lợi nhuận chỉ là những dòng mã giả lập trên màn hình.
Điều đáng sợ là khi đã "lún" vào trò chơi này, bạn không còn lối thoát. Hiệu ứng chi phí chìm (sunk cost) khiến bạn không thể dừng lại. Khi đã mất 200 triệu, bạn nghĩ: "chỉ cần thêm một chút nữa, mình sẽ gỡ lại tất cả". Tâm lý này không khác gì người đánh bạc: càng thua càng gỡ, càng gỡ càng lún sâu hơn. Và các tay chân của chúng luôn ở đó với ưu đãi lớn hơn, cơ hội chắc thắng hơn và đòn bẩy lớn hơn để chỉ cần một lệnh đúng là bạn "về bờ". Mất và được chỉ cách nhau một lệnh duy nhất - đó là ảo tưởng chúng tạo ra cho nạn nhân.
Khi tất cả sụp đổ, nạn nhân thường chọn im lặng. Họ sợ bị chê trách, sợ phải đối mặt với gia đình và bạn bè. Sự im lặng này lại tiếp sức cho những kẻ lừa đảo tiếp tục trục lợi, với những con mồi mới.
Không có con đường làm giàu nào dễ dàng và chắc chắn. Những kẻ lừa đảo thành công không phải vì chúng quá giỏi, mà vì chúng biết cách khai thác những cảm xúc nguyên thủy nhất của con người: lòng tham, nỗi sợ hãi, và niềm tin mù quáng vào thành công trong quá khứ.
Trong các bài viết trước, tôi từng chia sẻ những câu hỏi cần tự vấn để tránh chiếc kiểu bẫy Mr Pips như: Cơ hội này có quá dễ dàng không; Tôi có đang bị cảm xúc chi phối không; Tôi có đủ thời gian để tìm hiểu và đánh giá rủi ro chưa...
Cuối cùng, hãy tin vào việc có gieo mới có gặt, thứ gặt được hôm nay tương xứng với những gì chúng ta đã gieo ngày hôm qua. Thấu hiểu triết lý này và đưa vào từng quyết định cuộc sống, nhất là tài chính, con người sẽ dễ dàng quan sát và chế ngự được lòng tham.
Lúc đó những kẻ như Mr Pips có tinh vi đến đâu cũng không thể lay chuyển được niềm tin, ý chí và sự bình thản trong lựa chọn của chúng ta.
Đức Nguyễn