Đây là thỏa thuận đạt được giữa Tổ công tác thi hành Luật doanh nghiệp và Bộ Giao thông vận tải trong buổi tranh luận nhằm giải quyết những bất đồng ở một số quyết định gần đây của Bộ Giao thông vận tải quy định về bến xe, tuyến vận tải...
Theo ông Nguyễn Đình Cung, thư ký tổ công tác, quy định sở giao thông vận tải cấp phù hiệu xe chạy hợp đồng có giá trị trong 6 tháng cho xe chở khách không theo tuyến cố định là một hình thức biến tướng của giấy phép con. Công chức rất dễ sử dụng công cụ quản lý này để bắt chẹt, sách nhiễu doanh nghiệp vì có thể bán cho doanh nghiệp này mà không bán cho doanh nghiệp kia hoặc bán không kịp thời. Ông Cung đề nghị giao quyền cho doanh nghiệp tự in phù hiệu theo mẫu cơ quan nhà nước quy định.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Cục phó Cục đường bộ phản ứng: "Đấy không phải là giấy phép con vì có ai ký tên, đóng dấu vào đó đâu". Tuy nhiên, ông Hùng cũng thừa nhận sở giao thông vận tải các tỉnh, thành phố không cần thiết phải in và phát hành phù hiệu. Thứ trưởng Phạm Thế Minh giải thích: "Sở dĩ Bộ quy định như thế là xuất phát từ yêu cầu của nhiều doanh nghiệp. Thứ nhất những doanh nghiệp có đăng ký muốn hạn chế những xe chạy hợp đồng trá hình không đăng ký. Thứ hai, những doanh nghiệp có ít đầu xe muốn mua phù hiệu in sẵn rẻ hơn tự in". Trước ý kiến đề nghị cứ mở rộng cửa cho doanh nghiệp chủ động mua hoặc in phù hiệu để hạn chế tiêu cực, ông Minh hứa sẽ sửa lại quyết định theo hướng này.
Những bất đồng khác về quy định lập bến xe, mở tuyến, hợp đồng vận tải bằng văn bản... sau một buổi tranh luận gay gắt vẫn chưa ngã ngũ. Tổ công tác nêu quan điểm phải bảo vệ quyền tự do kinh doanh của người dân, còn Bộ Giao thông vận tải lập luận rằng có những chỉ tiêu chuyên ngành bắt buộc phải tuân thủ không thể đổi khác được.
(Theo Tuổi Trẻ)