ZTF J1901+1458 là vật thể có từ trường đặc biệt và tốc độ xoay cực nhanh. Theo nghiên cứu công bố hôm 30/6 trên tạp chí Nature, ngôi sao lùn trắng có bán kính 2.140 km và khối lượng gấp 1,327 lần Mặt Trời, khiến nó ở rất gần khối lượng tối đa có thể tồn tại. Chỉ cần nặng thêm chút nữa, ngôi sao lùn trắng sẽ phát nổ thành siêu tân tinh. Sao lùn trắng là sản phẩm cuối cùng của ngôi sao không trở thành siêu tân tinh nhưng cũng không đủ lớn để tự diệt bằng cách sụp đổ vào trong.
ZTF J1901+1458 quay rất nhanh, nó quay một vòng quanh trục sau 6 phút 57 giây, dù chưa nhanh bằng 228939929, ngôi sao quay quanh nhất từng được quan sát với 5,3 phút/vòng. ZTF J1901+145 cũng sở hữu từ trường đặc biệt, mạnh gấp vài trăm lần so với từ trường mạnh nhất mà con người có thể tạo ra trên Trái Đất.
Tàn tích sao này có thể thay đổi đáng kể những gì giới nghiên cứu biết về sao lùn trắng. Theo trưởng nhóm nghiên cứu, tiến sĩ Ilaria Caiazzo đến từ Viện Công nghệ California (Caltech), ông và đồng nghiệp đang tìm hiểu sao lùn trắng có thể lớn tới đâu.
Một giả thuyết là sao lùn trắng có thể không phải qua sự kiện phát nổ biến nó thành sao neutron, phần lõi sụp đổ của một ngôi sao khổng lồ. "Điều này nặng về suy đoán. Sao lùn trắng lớn và đặc tới mức ở lõi của nó, electron bị hút bởi proton trong nhân để tạo thành neutron. Áp lực từ electron đẩy trọng lực, giữ cho ngôi sao nguyên vẹn. Phần lõi sụp đổ khi một số lượng electron đủ lớn bị loại bỏ", Caiazzo giải thích.
Ngôi sao lùn trắng mới phát hiện chỉ cách 130 năm ánh sáng, rất gần Trái Đất về mặt không gian. Nó cũng khá trẻ, chưa tới 100 triệu năm tuổi. Phát hiện hé lộ những vật thể cực nhỏ và nặng có thể phổ biến hơn duy doán. ZTF J1901+1458 được phát hiện bởi thiết bị Zwicky Transient Facility (ZTF) do Đài quan sát Palomar của Caltech vận hành.
An Khang (Theo IFL Science)